TRÒ CHUYỆN VỚI CEO TẬP ĐOÀN VIỆT LÀ ĐỐI TÁC LỚN CỦA HUYNDAI, SAMSUNG

Chia sẻ:

Trong tủ sách của Doanh nhân – Tiến sĩ Tô Nhật, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn AMACCAO, ngoài bộ 3 cuốn sách nổi tiếng của Jim Collins là Vĩ đại do lựa chọn, Từ tốt đến vĩ đại, Xây dựng để trường tồn, có khá nhiều sách về phát triển con người. Nhiều cuốn trong số này còn túi nylon bọc ngoài bởi sách đó để tặng cho những vị khách ông yêu mến, ông Nhật lý giải.

Một trong 2 ước mơ của ông, ngoài là doanh nhân, còn là nhà giáo dục, nên ông yêu sách. Khá bất ngờ là không chỉ yêu sách, ông còn là tác giả của cuốn ” 100 chìa khóa vàng dành cho CEO & chủ doanh nghiệp”.

Suốt buổi trò chuyện với phóng viên Dân trí, ông Nhật say sưa kể về AMACCAO, về hành trình vươn mình của AMACCAO từ một mặt bằng thuê lại của một quán ăn nhỏ vùng đất nghèo Đông Anh (Hà Nội) cách đây 26 năm thành tập đoàn đa ngành, từ công ty nhỏ với 40 lao động thành tập đoàn lớn với gần 4.000 nhân sự. Đặc biệt, AMACCAO còn là đối tác của hàng loạt tên tuổi lớn như Hyundai, Samsung… tại Việt Nam.

Nghe tên tập đoàn AMACCAO, ai không biết sẽ nghĩ là tập đoàn nước ngoài hay doanh nghiệp FDI nào đó. Vậy cái tên AMACCAO có ý nghĩa gì, thưa ông?

AMACCAO ban đầu không có tên là AMACCAO. Giai đoạn đầu lập ra doanh nghiệp, anh trai tôi (ông Tô Văn Năm – Chủ tịch HĐQT AMACCAO) đặt tên công ty là Công ty cổ phần Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam vì muốn tập trung vào lĩnh vực đầu tư và xây dựng, định hướng làm doanh nghiệp để góp phần phát triển Việt Nam. Cách đây khoảng chục năm, chúng tôi bắt đầu nhìn thấy cơ hội để có thể quốc tế hóa được hoạt động kinh doanh của mình, nên nghĩ đến việc đổi tên.

Đầu tiên thì tên gọi mới phải có tính chất quốc tế, ngắn gọn, dễ gọi, ai cũng đọc được.

Thứ hai là AMACCAO xuất phát từ ngành xây lắp, sau này mới phát triển sang sản xuất công nghiệp, năng lượng, môi trường, giáo dục… Trong ngành xây lắp thì “maccao” có nghĩa là chất lượng cao. Cứ nói thép mác cao, xi măng mác cao, gạch mác cao… là mặc định chất lượng cao. Đã chất lượng cao (mác cao), lại còn A thì tức là “the best of the best” còn gì.

Chúng tôi đặt tên công ty như vậy cũng là hướng đến điều đó.

Ngoài ra thì việc đặt tên cũng là để hướng đến việc marketing. Trong nền kinh tế kỹ thuật số thì người ta tra cứu nhiều, mà chữ A được ưu tiên trên các thiết bị. Suy nghĩ vậy nên chúng tôi đổi tên công ty thành AMACCAO.

Tên này là do ai nghĩ ra và được lựa chọn trong bao nhiêu phương án?

AMACCAO là do Chủ tịch HĐQT nghĩ ra. Lúc đấy đúng là cũng có một số phương án như Avina, AvinaA, AMACCAO … AvinaA cũng là tên nhà máy rượu nước của chúng tôi khi ấy. Nhưng cuối cùng chọn phương án AMACCAO vì những lý do như trên: dễ nhớ, dễ đọc mà có ý nghĩa, lại phù hợp để hướng đến giá trị toàn cầu.

Vậy mục tiêu hướng đến thị trường quốc tế của AMACCAO đạt được ra sao?

Hiện nay thì AMACCAO xuất khẩu cọc ly tâm sang Đài Loan, sản xuất không đủ để bán. Mà theo như tôi biết thì chúng tôi là công ty thuần Việt duy nhất xuất khẩu được loại cọc này sang thị trường Đài Loan. Dĩ nhiên ở Việt Nam cũng có doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm này, nhưng là doanh nghiệp liên doanh.

Hay nước tinh khiết 3A của AMACCAO cũng có mặt tại Singapore và một số nước châu Á Thái Bình Dương. Ống nhựa EuroPipe cũng được xuất sang Lào, Campuchia, Úc… Sản phẩm van ren đồng thì đang được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Anh, Mỹ…

AMACCAO cũng xuất khẩu tại chỗ, tức cung cấp hàng hóa thay thế cho hàng nhập khẩu. Khách hàng của AMACCAO có những cái tên cực lớn như Tokyu, Sumitomo, Taisei, Hyundai, Samsung, Lotte, Daewoo…

Công ty chúng tôi là công ty thuần Việt nhưng trong đội ngũ cũng có nhiều chuyên gia nước ngoài. Hiện tại, Covid-19 bùng phát nên số chuyên gia nước ngoài ít hơn song trước đây có thời điểm có đến 40-50 chuyên gia. Thật ra khi có nhiều chuyên gia nước ngoài thì cũng có người nghĩ AMACCAO là công ty nước ngoài. Nhưng tôi cho rằng đừng có phân loại làm gì, đừng đóng khung suy nghĩ là chỉ người châu Âu hay Mỹ mới làm được những thứ chất lượng Âu, Mỹ.

Việt Nam cũng đầy người làm được, cứ nhìn tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Đăng Quang hay Nguyễn Thị Phương Thảo mà xem…

Còn chúng tôi nói đến câu chuyện quốc tế tại AMACCAO thì một là xuất khẩu, hai là thay hàng xuất khẩu, bán cho các công ty nước ngoài đang làm tại Việt Nam và tôi vẫn gọi vui là “xuất khẩu tại chỗ”.

AMACCAO hoạt động đa ngành, là tập đoàn sản xuất công nghiệp, kinh doanh các thiết bị vật liệu xây dựng, hạ tầng đến nước đóng chai, rượu, bao bì nhựa; đến giáo dục, đào tạo, rồi đầu tư bất động sản, môi trường và năng lượng sạch… Để có được cơ ngơi đồ sộ trên hẳn cũng không phải dễ dàng. Vậy những năm tháng đầu tiên khởi nghiệp của anh em ông như thế nào?

Tôi không bao giờ quên được những ngày đầu tiên khi anh trai tôi gây dựng AMACCAO. Đó là năm 1995, tôi còn đi học đại học. Anh tôi thuê mặt bằng vốn là mặt bằng của một quán ăn nhỏ tại quốc lộ 3 ở Đông Anh, Hà Nội để khởi nghiệp. Bạn anh ấy còn mặc quần sooc, áo may ô làm việc. Đến tận năm 2001, công ty vẫn phải đi thuê mặt bằng như thế để làm. Những năm tháng đó không bao giờ tôi quên. Anh tôi, giai đoạn đầu, gần như “ôm” hết mọi việc, đúng chất là chủ doanh nghiệp nhỏ. Sáng thì 6h đã dậy khua quân, làm đến tận 22-23h, đi tiếp khách có khi đến 1h sáng hôm sau, cực kỳ vất vả.

Suốt 10 năm đầu tiên, công ty chọn làm hạ tầng nông thôn kiểu đường quê, mương rãnh thoát nước cấp phối… Vì sao lại chọn ngành này để làm? Thật ra chẳng có gì to tát đâu, là vì doanh nghiệp lớn thì người ta không làm, không để ý. Anh tôi lại học Đại học Xây dựng, được đào tạo chính quy, bài bản nên bắt đầu khởi nghiệp như thế. 10 năm đầu tiên, công ty có 40 lao động và tập trung chỉ mỗi ngành xây lắp.

Sau này thì anh cũng quản lý, công ty lớn lên lại càng mệt, trăn trở, còn không có thời gian dành cho bản thân và gia đình. Khi ấy tôi đang học ở Anh, anh mới gọi về làm cùng.

Tức phải đến 2008 ông mới bắt đầu tham gia vào AMACCAO? Sao không phải ngay từ đầu?

Tôi tốt nghiệp đại học thì sau đó học luôn MBA tại Bangkok, Thái Lan rồi quay về Đại học Kinh tế quốc dân dạy một thời gian rồi lại đi học tiến sĩ ở Anh. Tôi luôn đau đáu ước mơ làm doanh nhân nên khi anh tôi bảo “Chú về đi” thì năm 2005 tôi mới nghiên cứu về công ty của anh mình, 2008 mới chính thức về điều hành.

Khi về thì AMACCAO mở ra các mảng mới. Từ 40 lao động ban đầu, đến nay, tập đoàn có gần 4.000 lao động. Hệ thống cũng được tự động hóa, xây dựng các đơn vị theo nguyên tắc tự chủ tài chính, mô hình tập đoàn. 2 anh em khá hợp nhau. Một người táo bạo trong đầu tư, có tầm nhìn và tính thực tiễn cao. Người kia thì được đào tạo bài bản, có hệ thống quản trị tốt.

Ông từng chia sẻ là không ai sinh ra đã biết làm kinh doanh, xây dựng doanh nghiệp. Vậy con đường trở thành doanh nhân của ông Tô Nhật đã diễn ra như thế nào?

Nhà tôi đông anh chị em lắm, những 7 người. Vì đông con nên có những giai đoạn 3 anh em cùng đi học, bố mẹ tôi làm ruộng, nuôi được con cái là cực kỳ vất vả.

Năm 15 tuổi, tôi và anh trai, cả chị gái đã đi buôn, để đỡ đần thêm cho bố mẹ. Hai anh em mua rượu ở Đại Lâm, Bắc Ninh về Đông Anh, Hà Nội bán. Rồi sau này buôn pháo Bình Đà (thời kỳ đó pháo chưa bị cấm – PV), nông sản từ Đông Anh sang các chợ ở nội thành để bán. Đói thì đầu gối cũng phải bò thôi (cười).

Rồi tôi vào học ở Đại học Kinh tế Quốc dân, vẫn vừa học vừa… đi buôn. Năm đó, khoảng 1992-1994 gì đó, trẻ em thích mua gấu bông, các nhân vật kiểu Doreamon. Rồi hết buôn gấu bông tôi lại buôn giày, bánh chưng… Cứ có lợi nhuận là làm.

Đến năm 1995, tôi bắt đầu khởi nghiệp, sau khi tiết kiệm được chút vốn liếng từ những ngày đi buôn và vay mượn thêm. Tôi cùng 2 người bạn thân mở quán cà phê karaoke đầu tiên ở phố Hào Nam. 6 tháng sau, quán phá sản. Không phải vì không bán được mà phá sản vì khi đó chúng tôi đều “gà mờ”, không ký hợp đồng với chủ cho thuê mặt bằng. Họ thấy được, họ “đá” mình ra, không cho thuê nữa, lật kèo luôn. Thế là chúng tôi phải đóng quán, nhượng lại đồ, chấm dứt việc kinh doanh quy mô đầu tiên như thế.

Năm 1999, sau khi học xong ở Bangkok về thì đến một năm sau, năm 2000, tôi lại khởi nghiệp lần hai. Lần này, tôi mở công ty buôn bán văn phòng phẩm. Chưa được một năm thì công ty lại đóng cửa vì tôi không biết cách quản lý về tài chính.

Nói thế để thấy là tôi khát khao muốn làm kinh doanh từ thời còn là học sinh. Sau bao nhiêu thất bại bước đầu như thế thì mới nhận ra “à làm doanh nhân có dễ đâu”, rồi cũng nghi ngờ bản thân. Rồi lúc ấy thì tôi chép miệng bảo “ừ thế thôi tập trung làm giảng dạy một thời gian vậy”, thế là đi dạy ở Đại học Kinh tế Quốc dân.

Nhưng khao khát kinh doanh cứ thôi thúc. Cho đến khi học tiến sĩ ở Anh, tôi nghiên cứu sâu về doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tôi nghĩ thế này: “một ngọn núi cao thì cũng phải bắt đầu từ những mô đất nhỏ nên nếu muốn làm doanh nghiệp thì cứ bắt đầu từ những bước đầu tiên”.

Tôi học ở Anh 5 năm, từ 2003 đến 2008. Nhưng đến 2005 thì anh tôi đã gọi vì biết tôi vẫn thích làm kinh doanh. Tôi về Việt Nam, lấy số liệu của công ty, và nói với anh là “anh làm theo cách này thì vất vả lắm, gì cũng đến tay thế này thì doanh nghiệp khó mà bền vững, cần phải có hệ thống tự động hóa, xây dựng thương hiệu”. Anh tôi nói rất “tức”, là “Chú về mà làm”.

Đến năm 2007, anh lại gọi hỏi khi nào tôi học xong. Đến 2008, tôi mới về. Lúc ấy thì tôi đang làm nghiên cứu sinh và đồng thời giảng dạy ở trường tổng hợp London (Anh). Anh bảo vậy thì thôi mình về, anh em cùng làm. Sau này thì trong tập đoàn AMACCAO, tôi cũng có 3 đơn vị của mình và phụ trách chung chiến lược xây dựng hệ thống, quản trị điều hành cho tập đoàn.

Ông về nước và gia nhập AMACCAO năm 2008. Không lâu sau đó thì nền kinh tế đối mặt suy thoái. Về rồi vấp ngay khó khăn như thế, ông có sợ không?

Không bao giờ tôi quên được năm đó. Cả nền kinh tế chìm trong khó khăn. Lãi suất đi vay lên đến 24-25%/năm. Nhiều công ty phá sản. Thị trường bất động sản đóng băng. Ngành xây dựng, vật liệu xây dựng ảnh hưởng khủng khiếp. Lúc ấy chúng tôi họp HĐQT lại, ra quyết định một số anh em phải nghỉ thứ 7, thứ 6. Dù thế, lúc khó khăn nhất chúng tôi vẫn giữ đủ cho lao động có việc trên 5 ngày trong tuần.

Thêm vào đó, chúng tôi phải giảm giá thành bằng cách không thu khấu hao để đỡ cho khách hàng và cũng là để công ty duy trì được công việc. Nhưng cũng may là năm 2009-2010, công ty mở ra mảng bất động sản nên cũng có chút tích lũy tài chính, có nguồn dự phòng. Anh em trong công ty cũng đồng lòng, đoàn kết. Điều đó giúp AMACCAO vượt khủng hoảng một cách thuận lợi.

Đó cũng là kinh nghiệm tuyệt vời giúp cho chúng tôi trải qua 3 kỳ khủng hoảng của nền kinh tế một cách suôn sẻ. Tháng 3/2020, khi Covid-19 bùng phát thì chúng tôi cũng có kinh nghiệm xử lý rồi. Nên năm 2020, khó khăn là thế mà AMACCAO vẫn tăng trưởng trên 20%. Tết nhận thưởng, anh em trong công ty ai cũng bất ngờ vì trong khi nhiều doanh nghiệp xây dựng khó khăn thì cán bộ nhân viên AMACCAO vẫn có lương, thưởng Tết không thấp hơn những năm trước.

Tôi cũng nghe nói ông Tô Nhật còn có ước mơ khác là ước mơ về giáo dục?

Hồi tôi nhỏ, nhà tôi rất nghèo. Bu (mẹ) tôi lại là con một cụ đồ nho nên rất thích các con mình học ngành sư phạm. Chủ tịch HĐQT AMACCAO, anh Tô Văn Năm, anh trai tôi, cũng học sư phạm đấy chứ, sau mới chuyển sang học xây dựng. Chị dâu tôi cũng là giáo viên, vợ tôi cũng là giáo viên. Nhà tôi nhiều người làm nghề giáo lắm.

Hồi bé, tôi cũng nghĩ sau này lớn lên mình sẽ làm giáo viên, để dạy bảo con cái. Đến khi học lớp 6, tôi bắt đầu có những suy nghĩ đầu tiên về bản thân. Năm đấy, cùng bạn bè đến nhà thầy giáo dạy Toán thăm Tết thầy, tôi thấy nhà thầy nghèo lắm. Con cái của thầy cũng không ai thành công. Tôi lại nghĩ về mình.

Rồi tôi chứng kiến một người thầy khác của mình là thầy dạy môn Hóa học. Cứ khoảng 4h sáng, thầy đi mổ lợn, chở ra chợ cho vợ bán rồi về đóng bộ lên lớp dạy. Hình ảnh của hai người thầy giỏi vẫn phải vật lộn với kinh tế cứ ám ảnh tôi. Tôi tạm bỏ giấc mơ làm sư phạm, quyết tâm phải học kinh tế, phải làm giàu. Tôi không thi vào Đại học Sư phạm mà thi vào Kinh tế Quốc dân cũng vì vậy.

Lúc khởi nghiệp thất bại thì tôi cũng trăn trở lắm, nghĩ mãi là liệu mình có hợp với làm kinh tế hay không. Suy cho cùng, không ai sinh ra đã định sẵn làm doanh nhân cả. Nhưng nếu như có chí đủ lớn và thực sự hun đúc cái chí này, tưới tắm cho hạt giống ước mơ thì sẽ có ngày hạt giống nảy rễ. Và thực tế chứng minh điều đó đúng.

Vậy làm doanh nhân hay làm thầy giáo, cái nào thú vị hơn?

Khi tôi học MBA ở Thái Lan, tôi được một số doanh nhân đến dạy học. Lúc ấy, tôi thốt lên “sao lại tuyệt vời thế này, được chính những người trực tiếp trải nghiệm việc kinh doanh đến dạy, đầy thực tế”. Ngay từ khi đó tôi đã nhủ là sau này phải làm gì đó tương tự, phải thành công để chia sẻ lại cho mọi người. Ước mơ ấy xuất hiện cách đây cả hơn 20 năm rồi. Lúc ấy, phấn khích quá, tôi còn viết cả vào sổ tay, sau này vợ tôi đọc được.

Rồi tôi trăn trở làm sao để xây dựng được một trường riêng, chia sẻ lại, tạo diễn đàn cho người giống mình muốn học hỏi. Tôi mong muốn được hiện thực hóa việc làm thế nào để giúp cho mọi người làm giàu chính đáng. Nói thật, những người khởi nghiệp, chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa khi mới bắt đầu đôi khi chẳng biết hỏi ai. Nên cách đây 4 năm, tôi bắt đầu đặt vấn đề với anh trai mình “em làm kinh doanh nhưng vẫn thích giáo dục, có thể nói là đam mê, em muốn đi chia sẻ, giảng dạy cho các doanh nghiệp khác”. Nói vậy thì anh tôi cũng ủng hộ. Thật ra nói là giảng dạy nhưng tôi cũng chỉ chia sẻ vào 2 ngày cuối tuần trong tháng hoặc một buổi tối trong tuần.

Tôi thấy ông có kênh Youtube. Kênh khá hấp dẫn với những chia sẻ tâm huyết về kỹ năng lãnh đạo, quản trị doanh nghiệp. Việc doanh nhân có kênh Youtube hình như khá là hiếm ở Việt Nam vì đa số doanh nhân Việt Nam thường ít cởi mở do nhiều lý do. Vì sao ông lại khác biệt như vậy?

AMACCAO phát triển dựa trên nền tảng khoa học. Triết lý của công ty là “lấy lẽ phải ngự trị, khoa học dẫn đường” nên luôn tìm đến những giá trị khoa học để giúp cho việc kinh doanh phát triển bền vững. 26 năm AMACCAO được như ngày hôm nay là dựa trên quan điểm phát triển trân quý giá trị trí tuệ của nhân loại.

Nên tôi thấy việc dùng kênh Youtube, chia sẻ những vấn đề khoa học cho đông đảo mọi người biết là tốt hơn cho tập đoàn. Điều này vừa giúp tôi thực hiện giấc mơ cá nhân, lại vừa tạo nhận diện cho thương hiệu doanh nghiệp. Cho đi cũng sẽ được nhận lại.

Tôi cũng luôn nghĩ là mỗi người chỉ sinh ra một lần, sau cũng không mang đi được nên những gì có thể chia sẻ được là tôi chia sẻ cho những người thích học hỏi, các doanh nghiệp đi sau. Mà kể cả đơn vị lớn ngồi nghe thì chúng tôi cũng không sợ cạnh tranh. Tôi thích cạnh tranh vì điều đó tốt. Trong kinh doanh nhiều khi là học nhau, mình cũng sẽ học được gì đó từ đối thủ. Đối thủ mà tốt thì mình càng tốt hơn chứ sao. Vui nhất là sau khi nghe tôi chia sẻ thì nhiều doanh nghiệp nhỏ cho hay họ rút ngắn được quá nhiều thời gian. Có doanh nghiệp vốn gần 200 tỷ đồng thì bảo trước khi đi học thầy Nhật thì chỉ có cái đèn pin, học xong được cả cái đèn pha ô tô… Khi đó, thực sự tôi thấy hạnh phúc.

Các bài dạy của ông có nhắc về lãnh đạo doanh nghiệp với những yếu tố như suy nghĩ khác người, quyết đoán, truyền cảm hứng, vẽ ra bức tranh tương lai, có trái tim, sự tử tế… Vậy 3 yếu tố quan trọng nhất sẽ là gì, theo ông?

Tiếng Anh có một câu là “leader is doing the right”, nên đầu tiên, nhà lãnh đạo phải biết đâu là lẽ phải. Trí tuệ, sự hiểu biết, hiểu được quy luật tự nhiên, biết cái đúng… là những điều quan trọng. Vì thế, lãnh đạo quyết đoán vì họ biết chắc chắn điều đó là đúng, kể cả 99 người nói không, một mình lãnh đạo nói có một cách quyết đoán. Lãnh đạo là như vậy.

Kinh thánh có câu “người mù dẫn người mù thì cả hai đều xuống hố”. Lãnh đạo là phải dẫn dắt nên cần học tập liên tục, tìm ra lẽ phải. Cứ mạnh mẽ mà làm nếu điều đó đúng, dù lãnh đạo rất cô đơn. Mà làm lãnh đạo ai mà chẳng có lúc cô đơn, đơn độc.

Thứ hai là lãnh đạo cần biết truyền cảm hứng cho đội ngũ, làm thế nào để đội ngũ làm việc một cách lăn xả, hết mình vì công việc, vì cái chung.

Điều thứ ba là sự tử tế. Dĩ nhiên, làm theo lẽ phải thì cũng bao hàm sự tử tế rồi. Nhưng lãnh đạo quan trọng là cần lãnh đạo bằng trái tim, sự chân thành, tình yêu thương. Mấy yếu tố này mạnh lắm. Khi mình làm bằng cả trái tim, sự tử tế và chân thành thì mọi thứ sẽ bền.

Nói về lãnh đạo, tôi thấy ban lãnh đạo AMACCAO có nhiều người là người thân của ông. Làm việc cùng người thân thì khó hay dễ, có những nguyên lý gì?

Ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa bị tắc, không phát triển được cũng vì điểm này. Người trong nhà làm với nhau, đi cùng nhau từ những ngày đầu nhưng đến khi doanh nghiệp phát triển hơn một chút, muốn tuyển người ngoài vào thì người trong nhà lại cứ hay tâm tư, thế này thế khác. Điều đó khiến cho mọi thứ không được chuyên nghiệp.

Thứ hai nữa là người nhà thường hay mang cảm xúc cá nhân vào công việc. Nên khá là khó. Thời kỳ đầu tôi mới về công ty cũng chứng kiến một người thân giận anh trai mình 4 năm không thèm đến nhà vì bị mắng trong hội nghị do thiếu chuyên nghiệp. Nên tôi mới nhìn thấy một vấn đề là nếu cứ giữ kiểu như thế thì doanh nghiệp không lớn được, khó mà thu hút người tài về. Tôi thấy cần phải thay đổi. Dĩ nhiên, ở Việt Nam vẫn có những công ty gia đình lớn. Mà muốn công ty gia đình trở nên quy mô thì cần mấy nguyên lý:

Một là dù người nhà hay người ngoài thì đều cần được đối xử công bằng. Mà để công bằng được thì cần có quy chế. Nên là về công ty, tôi phải mất 3 tháng để xây nên Quy chế thưởng phạt rõ ràng.

Hai là đối với người nhà, nhất là anh chị em thân thiết thì mình cần ngồi lại với nhau, xác định rõ ở công ty thì phải đặt công việc lên hàng đầu, có thứ hạng, phân bậc lãnh đạo. Còn ở nhà có thể là người thân.

Lúc đầu cũng khó lắm vì mọi người đưa cảm xúc vào công việc. Chị gái tôi còn khóc, bức xúc nhưng sau này có quy chế là quen hết. Giờ thì rất chuyên nghiệp rồi. Hay như chuyện con cháu trong nhà làm việc ở công ty mà sai vẫn bị phạt, bị cho nghỉ như thường.

Ở AMACCAO, không phải cứ con cháu là mặc nhiên có được vị trí, có được việc làm. Nhưng nếu giỏi, vừa có đức, vừa có tài thì ưu tiên là đương nhiên, đến người ngoài mình còn ưu tiên tuyển người tài đức cơ mà. Còn nếu không có năng lực thì dù là con cháu trong nhà cũng đứng sang một bên để cho người khác làm. Áp dụng cách này, ban đầu thì khó, về sau rất là nhàn. Đến giờ, tôi thấy AMACCAO không là công ty gia đình nữa nhưng thực ra vẫn là gia đình AMACCAO vì ai vào đây cũng là thành viên của gia đình AMACCAO cả.

Tỷ lệ người thân của ông Tô Nhật tại AMACCAO hiện nay là bao nhiêu?

Công ty gần 4.000 nhân sự thì lấy đâu ra lắm người thân của ông Tô Nhật thế. (Cười). Tôi cũng không đếm người họ Tô, vì ở quê tôi nhiều người họ Tô lắm, mà người họ Tô làm trong AMACCAO cũng nhiều. Còn con cháu trong nhà tôi thì đông nhưng làm trong công ty tôi cũng không nhiều đâu. Bọn trẻ giờ tự lập lắm, không dựa dẫm vào người thân nhiều.

Mà quan điểm của tôi hay anh tôi thì cũng rõ ràng. Con cái chúng tôi cứ ra ngoài làm thoải mái, nếu giỏi thì về quản lý công ty của bố, bác. Nhưng mà đừng nghĩ “chắc suất”. Tiếp quản là phải có khả năng dẫn dắt, tiếp tục con đường đi lên.

Làm việc với người thân, có khi nào ông và họ xảy ra mâu thuẫn?

Có chứ. Vợ tôi mới ra trường về công ty làm kế toán trưởng. Tôi thì là CEO. Áp lực lắm, kế toán làm sai là tôi cũng nóng nảy phản ứng luôn. Đến mức sau đó vợ tôi chuyển ra ngoài làm, rồi sau này khi cô ấy quay về công ty làm việc thì mọi thứ khác hẳn, và nhận ra tôi đúng. Còn với anh chị em, thì như tôi nói trên đó, chuyện có thật luôn là chị gái tôi khóc nhiều lắm, vì bức xúc với các em trai.

Hay tôi làm việc với Chủ tịch HĐQT, cũng có lần tôi phản ứng mạnh. Sau anh ấy gọi tôi vào phòng, nói thẳng rằng nếu góp ý đúng thì Chủ tịch cũng phải nghe nhưng cần phải nói ra một cách bình thường, không đem cảm xúc mạnh vào công việc. Cái đó thì tôi thấy anh ấy đúng.

Ai cũng là con người nên không tránh được mang cảm xúc vào. Quan điểm khác đôi khi cũng có, nhưng vẫn trên nguyên tắc là vì lợi ích chung của công ty. Nói thật, tôi với Chủ tịch HĐQT AMACCAO có những khi quan điểm khác nhau đến nỗi tôi phải bảo vệ 4-5 năm cho quan điểm của mình mới được thực thi. Chẳng hạn như việc phải có Ban kiểm soát độc lập chuyên trách. Hồi đầu thì anh không đồng ý mà muốn Ban kiểm soát kiêm nhiệm. Nhưng sau này, với sự phát triển lớn mạnh của AMACCAO cũng như vươn ra xuất khẩu các thị trường lớn thì việc có Ban kiểm soát độc lập chuyên trách là cần thiết.

Quay về câu chuyện AMACCAO, tôi thấy ông chia sẻ bên trên là năm 2020 khó khăn như thế mà công ty vẫn tăng trưởng 2 con số. Vậy năm nay, đến giờ này thì tăng trưởng ra sao?

Đến giờ thì con số tăng trưởng đã trên 30% rồi, tốt hơn nhiều so với 2020. Mục tiêu cả năm nay của AMACCAO là 25%, hiện đã vượt. May mắn một điều là thương hiệu chúng tôi mấy năm gần đây khá tốt. Khách cứ giới thiệu cho nhau nên đơn hàng cứ nhiều lên. Hàng tốt chất lượng châu Âu, hệ thống rộng, thương hiệu tốt, khi bán thì quy mô lại lớn nên giá thành tiết kiệm được, khấu hao trên từng sản phẩm tốt, giá bán rất cạnh tranh. Tôi hay nói vui là nhiều chủ đầu tư ban đầu cho mình cái chén, sau là cái ấm, sau cả mâm. Điều này, đối với chúng tôi, rất là hạnh phúc!

Các lãnh đạo AMACCAO có ý định đưa công ty lên sàn chứng khoán không?

Chắc chắn là có rồi. Để bền vững thì cũng cần đưa cổ phiếu lên sàn nhưng phải chọn thời điểm thích hợp. Đến giờ, chúng tôi chưa quyết định thời điểm chính xác nhưng tương lai thì chắc chắn có.

Ngày xưa, ông không theo sư phạm vì muốn làm kinh tế. Rồi khi làm kinh tế ổn ông lại quay về làm giáo dục. Hỏi thật là ông Tô Nhật hiện tại thấy mình đã đủ giàu chưa?

Tôi không biết mọi người định nghĩa như thế nào là giàu. Nhưng giờ tôi cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc, thoải mái với cuộc sống. Tôi không đem ra để khoe đâu, nhưng đúng là hiện giờ những gì đang cảm nhận được là sự thoải mái, mà lại thực hiện được cả 2 ước mơ vừa làm doanh nhân, vừa làm giáo dục. Thế thì còn gì bằng nữa. Dĩ nhiên tôi vẫn chủ yếu điều hành doanh nghiệp, dành 80% thời gian cho việc này. Nhưng 20% còn lại tôi vẫn dùng được vào việc chia sẻ, cống hiến những giá trị, kiến thức học được, trải nghiệm được cho cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp trẻ. Như thế là mừng rồi.

Nhân chủ đề ước mơ, tôi thấy nhiều doanh nghiệp đặt ra chiến lược đến năm 2045 để kết nối được với định hướng đưa Việt Nam trở nên hùng cường, AMACCAO thì sao?

Thú thực, khi mới lập doanh nghiệp, chẳng ai nghĩ lại được như ngày hôm nay. Ngày đó, anh tôi cũng xác định làm sao để sống, để giàu, để phát triển được đã.

Khi công ty đã tồn tại, phát triển 10 năm, AMACCAO nghĩ đến việc vươn từ ngoại thành ra thủ đô, phủ sóng các tỉnh, dần dần tiến ra thị trường xuất khẩu.

Làm kinh doanh, làm doanh nghiệp cũng giống như leo núi. Lúc đầu bạn ở dưới chân núi thì chỉ nhìn thấy đoạn sườn núi gần gần, nhìn đỉnh núi xa lắm, mờ lắm. Nhưng leo được đến sườn núi thì nhìn thấy mọi thứ trước mắt gần hơn, nhìn đỉnh rõ hơn.

Tầm nhìn của AMACCAO cũng thế, chúng tôi không dám nói là vĩ đại hay gì cả nhưng cứ làm tốt từng ngày, từng tháng, từng năm. Trước hết chúng tôi xác định phải là công ty top đầu về ngành mình chọn. Thực tế thì AMACCAO đã làm được, ví dụ đứng số 1 miền Bắc, top 2 toàn Việt Nam về cống và cọc bê tông, hay top 3 cả nước về cấu kiện bê tông, 1 trong 3 đơn vị top đầu về ống nhựa cho thương hiệu EuroPipe, là công ty duy nhất cung cấp sản phẩm với 30 năm bảo hành…

Doanh nghiệp tự cường thì quốc gia thịnh vượng. Tôi luôn nghĩ vậy.

(Theo Dantri)

Chia sẻ:
Zalo
Messenger
Form liên hệ

Đăng ký nhận tư vấn