Giao lưu, gặp gỡ với ông Nguyễn Văn Thành – Nhà sáng lập, Giám đốc Công ty Nhựa Việt Nhật

Chia sẻ:
Tối ngày 29/8 vừa qua, tôi cùng các thành viên Platinum Bizkingdom Club và Ban lãnh đạo Success Business School đã có buổi giao lưu cùng với ông Nguyễn Văn Thành – Nhà sáng lập, Giám đốc công ty nhựa Việt Nhật. Mỗi vị khách mời đặc biệt của Platinum Bizkingdom Club là một tấm gương về kinh doanh và cuộc sống. Tôi cũng đã từng gặp nhiều Chủ doanh nghiệp lớn và hợp tác với nhiều tập đoàn lớn trong nước và quốc tế. Tôi nhận thấy rằng ở mỗi con người thành công họ đều có những bài học sâu sắc mà thông qua trải nghiệm để đúc rút ra và đều rất ý nghĩa mà anh em chúng ta có thể tham khảo và học hỏi. Với ông Thành – Nhà sáng lập, Giám đốc công ty nhựa Việt Nhật, là một con người gần gũi, thông thái và đậm chất nhân văn. Tôi hiếm thấy một Chủ doanh nghiệp nào luôn sẵn sàng giúp đỡ cho các thế hệ doanh nghiệp như ông Thành.
Dưới đây là một vài bài học trong số những bài học tuyệt vời mà ông Nguyễn Văn Thành đã chia sẻ dành cho các chủ doanh nghiệp:
1. ‘Thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng cạn’
Ông Thành cho rằng có nhiều cặp vợ chồng khi chưa làm ăn kinh doanh, lúc còn chưa có gì thì vợ chồng còn hạnh phúc, nhưng đến khi có một chút tiền nhờ kinh doanh thì vợ chồng lại không đồng thuận, người thì muốn theo hướng này, người thì lại muốn theo hướng kia khiến cho hai vợ chồng mâu thuẫn, căng thẳng và thậm chí có những cặp vợ chồng vì thế mà li thân, ly hôn do không đồng thuận được cùng nhau.
Ông Thành chia sẻ để có Việt Nhật ngày hôm nay nếu một người làm thì sẽ không làm được, phải có sự đồng tâm hiệp lực của nhiều người, của cả tập thể. Đặc biệt khi hai vợ chồng cùng nhau kinh doanh, trong các doanh nghiệp “gia đình” thì vợ chồng phải ‘đồng tâm hiệp lực’ là yếu tố vô cùng quan trọng. Nếu không làm với nhau, ít nhất cũng ủng hộ cho nhau. Vợ chồng thêm khăng khít, thấu hiểu, gia đình càng hạnh phúc doanh nghiệp lại càng phát triển, lớn mạnh.
2. ‘Phải thích nghi để tồn tại và phát triển’
Với lối kể chuyện từ tốn pha thêm phần dí dỏm, ông Thành kể về câu chuyện ngày xưa khi ông còn là một thanh niên, ông đã đi học nghề đóng cối xay lúa. Khi ấy người dậy ông nghề đóng cối xay lúa có tên là ông Đệ. Ông Đệ có nói với ông rằng: ‘’Cháu ạ, nghề đóng cối xay lúa này sướng lắm. Ngày được hai bữa rượu và không bao giờ lo thất nghiệp vì bao giờ xã hội này hết thóc thì mới không còn nghề này. Thế nên cháu hãy theo bác để học nghề này’’. Nhưng học được 03 tháng thì ông Thành đã bỏ nghề đóng cối xay lúa chỉ vì ngày đó nhà chủ mà ông Thành đến đóng cối xay lúa có một cô gái trẻ trạc tuổi ông Thành cứ đi ra nhìn ngắm ông Thành, đi vào cũng lại nhìn ngắm ông Thành khiến ông Thành xấu hổ nên xin phép ông Đệ không tiếp tục với nghề đóng cối xay lúa nữa. Và về sau này khi ông Thành nhìn lại mới thấy bây giờ có ai dùng cối xay lúa nữa đâu, tất cả đều đã được thay thế bằng máy sát gạo hết rồi. Chính bài học này khiến ông Thành về sau này khi làm kinh doanh, ông luôn nhắc nhở bản thân và nhắc nhở anh em cộng sự rằng ‘mọi thứ đều có thể thay đổi vì vậy mình cần phải thích nghi để tồn tại và phát triển’. Đôi khi chúng ta nghĩ hôm nay thế này và ngày mai sẽ mãi thế, nhưng với một thế giới thay đổi chóng mặt nhanh như thế này, không có gì là mãi mãi. Nhiều đơn vị đã từng là Số 1 trên thế giới như Nokia hay Kodak , nhưng sau này đã bị soán ngôi và thậm chí phá sản. Đây là những nhân chứng thực tế để bất cứ doanh nghiệp nào, thương hiệu nào cũng phải cảnh tỉnh chính mình, để liên tục phải thích nghi để phát triển, liên tục cải tiến (Kaizen) để tồn tại và trường tồn. Đó cũng chính là cách mà Nhựa Việt Nhật hơn 20 năm qua đã trải qua để từ một người buôn chuyến để hôm nay Việt Nhật trở thành thương hiệu Số 1 về Nhựa gia dụng tại Việt Nam.
3. Giữ chân nhân tài bằng tình yêu thương
Với hơn 2.000 lao động, và trong đó có khoảng 20 trong số 30 người thế hệ đâu tiên vẫn đang làm cho Việt Nhật và có rất nhiều gia đình đã có cả 03 thế hệ đang làm cho Việt Nhật. Họ coi Nhựa Việt Nhật là gia đình của họ. Để làm được điều này, ông Thành chia sẻ mỗi một cán bộ công nhân viên đến với công ty, họ đều được tôn trọng, sống bằng chân thành, yêu thương. Không có riêng ai làm chủ riêng công ty này mà tất cả đều làm chủ. Doanh nghiệp lớn lên thì anh chị em cán bộ nhân viên cũng có cơ hội “lớn lên”. Doanh nghiệp như ngôi nhà thứ 2 đối với bất cứ cán bộ nhân viên nào.
4. Làm thương hiệu bằng ‘Hữu xạ tự nhiên hương’
Khi được hỏi làm cách nào để Nhựa Việt Nhật trở thành thương hiệu số 1 trong ngành Nhựa gia dụng như hiện nay và được bình chọn là ‘Hàng Việt Nam chất lượng cao’, ông Thành có chia sẻ rằng: Thứ nhất, chúng tôi cũng may mắn khi sản phẩm của chúng tôi trên bất cứ sản phẩm nào cũng đều có thương hiệu Việt Nhật ở trên đó nên mỗi gia đình chỉ cần sử dụng một sản phẩm của chúng tôi thì họ cũng biết đến thương hiệu Việt Nhật và dần theo thời gian thì nó trở nên biết nhiều hơn qua các thế hệ. Thứ hai, trong sản xuất hay thương mại, chỉ cần bạn làm tốt, nhất định sẽ được biết đến, nhất định sẽ được yêu dùng, không chỉ riêng các nhà phân phối, các nhà đại lý mà ngay cả khách hàng sẽ tin tưởng lựa chọn. Sản phẩm của bạn có tốt hay không, có chất lượng hay không,… phải do khách hàng đánh giá. Khi bạn đáp ứng được yêu cầu của khách hang thì việc bạn được yêu thích, việc bạn lớn mạnh chỉ là ngày một ngày hai. Nên điều quan trọng nhất là hãy tập trung vào chất lượng và liên tục cải thiện chất lượng để vì người tiêu dùng, vì khách hàng bởi lẽ họ mới chính là ông chủ của mình. Và khi mình làm tốt thì ‘hữu xạ tự nhiên hương’.
Còn rất nhiều bài học sâu sắc khác mà ông Thành đã chia sẻ cho anh chị em Câu lạc bộ Platinum Bizkingdom. Cảm ơn ông Thành đã đến với Biz Kingdom Platinum Club và chia sẻ những bài học rất giá trị và truyền cảm hứng.
Chúc ông Thành và gia đình luôn hạnh phúc và bình an!!
Tình yêu từ Tiến sĩ Tô Nhật.
Chia sẻ:
Zalo
Messenger
Form liên hệ

Đăng ký nhận tư vấn