Làm thế nào để quản trị người nhà trong doanh nghiệp

Chia sẻ:

Theo như tư tưởng của ông Khổng Tử, để ta có thể tạo nên một đế chế, một doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả thì phải rõ ràng “Vua ra vua, tôi ra tôi”, “Trên là trên, dưới là dưới” – các mối quan hệ phải được phân cấp thật cụ thể. Làm thế nào để quản trị người nhà trong doanh nghiệp hiệu quả thực ra là điều rất khó khăn. 

 

Khi đó tôi học xong, về nước và làm tham mưu cho anh trai tôi, tôi đã bảo “Anh ơi, nếu anh muốn doanh nghiệp mình phát triển bền vững thì nên tách bạch yếu tố gia đình. Đây là một công ty ở Việt Nam, của xã hội, ông nào giỏi thì sẽ đứng ở vị trí quản lý, thành viên gia đình có thể giúp đỡ nhau một chút để các cá nhân cùng nhau góp sức chứ đây không phải công ty nhà mình”. Ông học chỉ đạt trình độ điểm 5 mà ông đòi làm lãnh đạo vì ông quen tôi, thế là không được. Công ty tôi cần người lãnh đạo điểm 9, 10 chứ không cần người thân, mời ông ngồi sang bên kia. Yếu tố gia đình ở đây là nếu người quen người nhà mình, mình tin tưởng cái uy tín, cái tâm và sự nhiệt tình sẵn sàng giúp đỡ của người ta thì có thể cất nhắc vào những vị trí quan sát, giám sát công việc. Còn điều hành bắt buộc phải tuyển người tài. Anh trai tôi hoàn toàn đồng ý điều đó, đấy là đề nghị thứ nhất của tôi. 

 

Cái thứ hai, đã đưa người trong gia đình mình vào thì đó phải là những tấm gương, những đầu tàu của công ty. Quy chế định ra cho mọi người thì người nhà mình phải nghiêm túc chấp hành hơn cả những nhân viên khác. Như hồi đó chị gái tôi đi muộn tôi phạt luôn một triệu đồng, thậm chí là phạt nặng, phạt ngay để tất cả cùng thấy tính nghiêm trọng của việc vi phạm nội quy công ty. Anh cả tôi sau khi kết thúc nhiệm kỳ là Trưởng ban Giải phóng Mặt trận của huyện – chức danh đại lại như thế, bây giờ về đầu quân cho doanh nghiệp tôi đứng đầu, làm cùng chúng tôi. Ở nhà thì là anh cả chứ ở công ty anh là cấp dưới, làm sai vẫn sẽ bị khiển trách bị kỷ luật như thường. Rồi cháu ruột của tôi, cậu này cậu ấy vi phạm vấn đề liên quan đến nội quy, anh Trưởng phòng Nhân sự có hỏi tôi là “Anh ơi, cháu anh suốt ngày nghỉ làm không lý do. Tôi bảo luôn, em cứ theo quy chế em làm. Một là nó chịu phạt rồi tiếp tục công việc, hai là cho nó nghỉ”. Và cuối cùng là cậu ấy bị buộc thôi việc đấy các bạn. 

 

Chúng tôi đã thống nhất với nhau rồi, việc nào ra việc ấy. Ở doanh nghiệp không có chú – cháu, anh vào đây mà không làm được việc, không nghiêm túc thì sẽ ảnh hưởng tiến độ chung, ảnh hưởng người khác rồi dần dần sẽ phá hủy cả văn phòng. Mới đầu, việc thực hiện nguyên tắc đó không dễ dàng đâu mọi người, con cháu trong nhà rồi anh chị họ hàng bảo tôi “Làm chú kiểu gì mà lại như thế, rồi có mỗi người anh, người chị, người cháu … này thôi, không lo thì còn lo cho ai”. 

 

Tư tưởng ấy là không ổn. Tôi đã lo cho người thân của mình qua việc cất nhắc họ vào những vị trí phù hợp. Nghe nó khách sáo chút thì nói thật là cho họ công việc, cho họ cơ hội để cống hiến và chia sẻ thành công với doanh nghiệp nhưng họ không xứng đáng với vị trí ấy, họ làm việc chưa hiệu quả rồi thì không tuân thủ quy định chung, khiến tôi thất vọng, ảnh hưởng đến công sức chung của hàng chục hàng trăm người. Vậy mà tôi lại bao che, mắt nhắm mắt mở bỏ qua thì thực sự là hại mình hại cả người. Luật bất thành văn nhưng phải làm luật thì mới được. Đúng thì khen thưởng mà sai thì trách phạt, ta đối với người nhà kỷ luật bao nhiêu thì mọi người càng phục bấy nhiêu. Có thể mất lòng một hai người nhưng công bằng với tất cả mọi người. Bác Trường anh tôi lúc đấy chắc là không vui lắm đâu nhưng sau này nghĩ kĩ lại mới thấy trân trọng điều ấy và tin vào sự lãnh đạo của tôi. Rồi chị gái tôi, chắc cái lúc tôi đập bàn quát lên “Chị làm việc thế à?” khi chị để mất một hợp đồng quan trọng vào tay đối thủ của công ty vì giá chào bán sản phẩm của bên tôi không hợp lý, chắc là chị cũng ngạc nhiên lắm. Bà ấy khóc tức tưởi, còn gắt lên với tôi “Mày dám quát tao à?” rồi kể với anh tôi “Nó dám nghi ngờ tôi, nó nặng lời với cả chị nó”. Nói thật với mọi người, đã có những lúc chị tôi giận, bảo luôn là kệ, không làm nữa. 

 

Tâm lý chung của người quen mà, mình đã hết tâm với công ty, hy sinh vì doanh nghiệp đứng tên của nó mà mình lại bị mắng, chịu nhục trước mọi người thế này. Áp lực của người đứng đầu, của lãnh đạo rồi chủ tịch công ty là rất lớn, nhiều lúc thực sự muốn kìm nén để nói ra những lời đúng mực, không động đến ai nhưng nó khó lắm, cảm xúc con người mà. Nhiều lúc thái độ mình càng rõ ràng thì nhân viên mới hiểu thế nào là đúng, là sai, sai thi biết sợ biết hối lỗi để sửa và để đừng tái phạm. 

 

Ở công ty thì đập bàn quát nhau thế thôi chứ về nhà là mọi người nói gì tôi răm rắp nghe hết, gia đình mà, nhưng mà thương nhau ở nhà thôi nhé, đi làm là phải đúng bổn phận đúng vai vế. Làm được điều này vất vả lắm, cần thời gian, có khi còn mang tiếng xấu, mất tình cảm. Sau một thời gian thì chính bà xã tôi đã xin ra ngoài, chuyển sang làm công ty khác, làm giảng viên của Đại học Ngoại Thương, chứ không thì chắc ức chế, mâu thuẫn đến không nhìn mặt nhau. Nhưng rồi cuối cùng mới nhận ra là tôi đúng, nhiều khi người trong cuộc mới là người chưa tỏ tường mà. 

 

Càng đi làm và trải nghiệm nhiều mới càng trưởng thành lên, nhận thức sâu rộng hơn rằng anh ở công ty là cấp trên, anh có quyền và anh làm đúng. Nếu anh có sai thì cái lúc đó em vẫn phải chịu, đợi anh bình tĩnh rồi thì ta mới nói chuyện nghiêm túc lần nữa vì là cấp dưới thì thái độ của em cần phải như vậy hoặc hơn hết là nhịn, mình là người nhà, mình vốn nói chuyện với nhau dễ hơn người khác mà. Có thể đợi đến khi về nhà, khi ta không còn là nhân viên với chủ tịch nữa, mấy chức danh đó từ lúc tan ca một cái liền trở nên vô nghĩa, khi đó em nhẹ nhàng phân tích thì anh mới nghĩ thấu đáo, cơn giận nhất thời nó nguôi rồi mà. Đó là câu chuyện khác, quay lại vấn đề chính thì từ lúc hiểu được cái gọi là tôn ti trật tự thì chúng tôi không còn phải căng thẳng vì vấn đề mối quan hệ với người nhà trong công ty nữa.

Chi tiết nội dung trên tại đây: https://youtu.be/IZ0lvQh5l2w

Chia sẻ:
Zalo
Messenger
Form liên hệ

Đăng ký nhận tư vấn