Đảm bảo cấp dưới sẽ trung thành nếu bạn lãnh đạo theo cách này

Chia sẻ:

Để tạo nên sức mạnh của tập thể, sức mạnh bền bỉ của doanh nghiệp, hãy yêu quân ( cấp dưới ) như yêu người thân ruột thịt. Người ta đến với mình, thực sự lăn xả, hi sinh, cống hiến để cùng chủ doanh nghiệp xây dựng công ty, vậy chúng ta không yêu họ thì yêu ai? Vậy chúng ta muốn phát triển một doanh nghiệp bền vững mang tính chất xã hội thì phải lãnh đạo, cư xử một cách công bằng, lấy tiêu chí lẽ phải, khoa học mà quản lý. Cần coi cán bộ cấp dưới, dù là bất cứ ai, như ruột thịt của mình để cư xử và làm việc chung.

Đảm bảo cấp dưới sẽ trung thành nếu bạn lãnh đạo theo cách này

Ở các doanh nghiệp khác thì thường cấp dưới đi thăm cấp trên, ví dụ như là dịp tết thì anh em mang quà cáp đến thăm biếu sếp nhưng ở Amaccao chúng tôi làm ngược lại. Cấp trên phải đi thăm cấp dưới. 

Chúng ta nên lãnh đạo bằng tình yêu thương. Có một câu ngạn ngữ như thế này: The more you love, the harder you can put, nó có nghĩa là bạn càng yêu người ta bao nhiêu thì bạn càng có thể rắn với người ta bấy nhiêu. Chữ “rắn” ở đây là những hình phạt, là kỉ luật, là giao trọng trách nhưng nhân viên họ không phiền lòng hay ghi thù, than trách gì cả. Họ biết bạn yêu bạn tin người ta. Tôi muốn kể về câu chuyện của anh Thành, chủ tịch công ty xây dựng Xuân Thành rất nổi tiếng ở Ninh Bình. Có một lần anh ấy cùng trợ lý lên thăm chúng tôi, tôi nghe anh ấy chửi ông trợ lý “Mày ngu lắm!”, rồi “Tao phải chửi cho mày bớt ngu đi”, mà đấy vẫn còn là nhẹ đấy. Chứ như anh trai tôi hay anh Vượng bên Vin, thậm chí cả tôi nhiều lúc cũng mắng quân mình xa xả ra. Vậy tại sao nghe chửi mà họ không chạy luôn, không bỏ đi mà còn sát cánh bên ta hơn cả những lúc anh em vui vẻ? Đó là bởi vì chúng tôi chỉ mắng cái hành vi sai lúc ấy thôi,  các cụ vẫn nói Yêu cho roi cho vọt, không quan tâm người ta, không muốn người ta hiểu vấn đề thì tôi mất công chửi làm gì? Tôi thay luôn người mới, đuổi cổ ông làm sai là xong. Đã là anh em đồng cam cộng khổ bao năm, giúp đỡ nhau từng cái dự án, họ hiểu mình thương, mình trân trọng họ thật lòng. Cảm được điều đó nên họ phân biệt rất rõ những lúc nào mình tức giận nhất thời. 

Hồi anh em tôi còn nhỏ, tôi vẫn thấy văn hóa ở các doanh nghiệp là thường cấp dưới đi thăm cấp trên, ví dụ như là dịp tết thì anh em mang quà cáp đến thăm biếu sếp nhưng ở Amaccao chúng tôi làm ngược lại. Cấp trên phải đi thăm cấp dưới. Và đặc biệt chúng tôi có cái phong trào là Hội đồng quản trị (Gồm 3 anh em nhà tôi với một số anh quan trọng khác trong tập đoàn) cứ mỗi dịp tết đến xuân về sẽ chọn trong số những nhân viên của mình xem nhà ai cha mẹ già yếu, con nhỏ, nói chung là hoàn cảnh rồi lựa những phần quà nhỏ đem đến để chung vui. Đã làm việc với chúng tôi thì mọi người không khác gì anh em ruột thịt cả. Của cho không bằng cách cho, chúng tôi đến, đầu tiên là mở lời hỏi thăm, sau đó tỏ lòng biết ơn với cha mẹ, với gia đình người ta đã cho con cho người thân mình làm việc với công ty. Cái ngành xây dựng, tôi nói thật là nó vất vả lắm, hay phải xa nhà, công trình cứ rải khắp Từ Hòa Bình đến Lai Châu, Quảng Ninh. Bây giờ cha mẹ già cần phải nương tựa con, gia đình cần người con trai làm trụ cột, người con gái để đỡ đần, rồi trẻ con lại nhờ vả đến ông bà – Chúng tôi ghi nhận và biết ơn điều đó – sự hy sinh ấy. Những lời thăm hỏi, ghi nhận, cảm ơn, sau cùng là chút quà chung vui, tưởng nhỏ bé nhưng ý nghĩa, cảm động cô cùng. Không chỉ thế, chúng tôi còn coi gia đình của nhân viên như người thân của mình, chị vợ cần nhờ vả, tôi nói “Cứ a lô anh chị sẽ giúp đỡ”, người bố có khó khăn, tôi bảo “Bác cứ nói, cháu sẽ lắng nghe và giải quyết”, đối với anh em chúng tôi đã cam kết ngay từ ban đầu rồi mà. Gia đình các cô chú anh sẽ quan tâm hết lòng. Khi mình sống tình cảm như vậy thì cái chân thành của mình sẽ níu giữ người ta ở lại với công ty. Giá trị nhân văn ấy, tuy nói nó vô hình nhưng không gì đong đếm được

Cách đây mấy năm, anh kỹ sư trưởng của chúng tôi không may bị tai nạn giao thông, ông lái xe máy say rượu nên tông phải cậu ấy cùng đứa con đang đi nghỉ mát. Cậu ấy nằm bất tỉnh nhân sự luôn, đứa trẻ cũng bị thương, người ta liên hệ với ông sếp là tôi và vừa nghe tin một cái chúng tôi đã đến ngay bệnh viện địa phương để xem xét tình hình nhân viên. Ông bác sĩ lắc đầu bảo khó lắm, phải đưa ngay ra Việt Đức thì may quá tôi lại là chỗ thân quen của mấy bác sĩ bên đó. Không chần chừ, tôi điện ngay cho trưởng khoa cấp cứu, nhờ ông ấy bằng mọi giá cho một xe nhanh nhất tới đây đón anh bệnh nhân lên Việt Đức. Anh ấy mất nhiều máu, tôi vẫn nhớ là nhóm máu O, ngân hàng máu ở bệnh viện không đủ để truyền nên lúc đấy tôi huy động anh em ai ở công ty thì đến ngay, xét nghiệm ra cũng nhóm máu O là hiến trực tiếp để cấp cứu. Tất cả xếp hàng dài để được lấy máu, không ai ngần ngại cái lúc như thế, vậy mới thấy chúng tôi sống với nhau tình cảm thế nào. Cuối cùng thì anh kỹ sư qua được cơn nguy kịch, đấy, tình yêu nó tạo nên những điều diệu kỳ

Có rất nhiều câu chuyện thể hiện tình yêu thương ở trong Amaccao của chúng tôi. Xây dựng được cái văn hóa tình thương ấy, dù chúng tôi chỉ là một công ty nhỏ, đội nhóm chúng tôi chưa phải là Barca, Chelsea, Manchester United … để mà tuyển được những cầu thủ tài năng cũng như giữ chân họ ở lại nhưng chắc chắn nhân viên đã vào đây đều là người trung thành, tâm huyết. Như anh kỹ sư kia, dù bên khác họ trả gấp đôi gấp ba thì tôi tin chắc anh ấy cũng không đi đâu. Nợ tình nó nặng lắm, không có gì trả nổi, chỉ có ở bên cạnh, dùng tình cảm đáp lại thì mới được. Truyện sử của Trung Hoa ấy, lúc mà Lưu Bị kết nghĩa với Quan Văn Trường, Trương Phi, Tào Tháo biết Quan Văn Trường là người tài, chiêu mộ bằng nào ngựa xích thố, tiền vàng của nải đến đâu cũng vẫn bị từ chối. Tình nghĩa nó gắn kết con người bền chặt lắm, minh chủ không ở đấy thì ông ấy chờ chứ quyết tâm không phản bội anh em. Vì vậy mà các công ty thường có xu hướng lôi kéo anh em bạn bè thân thiết vào làm cùng để nếu công ty có vấn đề gì, khó khăn về tài chính, mâu thuẫn trong nội bộ chẳng hạn thì mọi người vẫn có thể sát cánh bên nhau, chín bỏ làm mười. Thậm chí có mắng nhau như cơm bữa, mới đầu vất vả lắm, chị gái tôi khóc rất nhiều lần ở công ty, tuyên bố “Tao không đi làm nữa, tao còn mặt mũi gì đâu” nhưng cuối cùng có bỏ được đâu. Gắn kết với nhau bởi cái tình, nó cần giúp đỡ, nó muốn nhờ vả, mình thương mình lo cho nó thì sao mà bỏ được. Trong trường hợp không có anh chị em ruột, không có bạn thân ở bên thì ta phải biến nhân viên công ty của mình thành thân thiết, ruột thịt, thậm chí hơn cả máu mủ để người ta ở lại công ty mình vì coi đó là gia đình. Số lượng nhân viên chuyển việc, nghỉ việc sẽ giảm đi đáng kể. Khi đã được cảm hóa thì tự nhiên ta là anh, là chú, là người nhà của nhân viên. 

Một ngày bạn đến công ty, làm việc với chúng tôi 8 tiếng, thậm chí hơn chứ ở nhà bạn có mấy thời gian đâu, khoảng 7 tiếng đã dùng để ngủ rồi. Bạn ở cùng với người thân còn ít hơn là ở với anh em chúng tôi. Vậy thì trách nhiệm của chúng tôi là phải làm bạn hài lòng, khiến bạn thoải mái như ở cùng gia đình, đó là lý do tôi luôn mong muốn biến công ty thành một cái home away from home – đây là ngôi nhà thứ hai của bạn. Amaccao của chúng tôi hiện nay chính là một ngôi nhà với hơn 4000 anh chị em, mỗi một người gia nhập vào đại gia đình này, chúng tôi luôn để họ phải thấm nhuần cái văn hóa tình thương. Mỗi người một quê, người đến từ Thanh Hóa, Nghệ An rồi từ Tây từ Nhật về đây làm nhưng đã ở đây thì đều mang chung bộ gen, cái tôi gọi là giá trị cốt lõi. Giá trị ấy đóng vai trò sàng lọc, rằng ai không mang bộ gen này thì không thuộc về công ty, còn đã sống với nhau thì phải chung tư tưởng.

Chi tiết nội dung tại đây.

Chia sẻ:
Zalo
Messenger
Form liên hệ

Đăng ký nhận tư vấn