Bí quyết thoát đời “khổ chủ” nhanh nhất

Chia sẻ:

Để có đội nhóm thực thụ, cùng bạn xây dựng đế chế kinh doanh bền vững, thịnh vượng, trường tồn theo thời gian thì chủ doanh nghiệp cần chọn thật kỹ những tông đồ đi theo mình. Đào tạo cho họ có đầy đủ phẩm chất, yêu cầu để cùng đồng hành, sánh bước và giúp cho chủ doanh nghiệp xây dựng được giấc mơ. Phải tìm kiếm, đào tạo, huấn luyện họ để trao quyền, trao trách nhiệm cho họ. Tông đồ phải là những người trung thành, sẵn sàng lăn xả vì lợi ích của doanh nghiệp. Đây chính là bí quyết để bạn có thời gian để phát triển bản thân và có thời gian để nghĩ chiến lược, lên kế hoạch, tạo mối quan hệ,…

Bí quyết thoát khỏi khổ chủ nhanh nhất

Chúng ta phải tập trung phát triển người lãnh đạo. Nếu ta cứ sợ ông này giỏi rồi sẽ bỏ doanh nghiệp, thậm chí sang công ty đối thủ thì suy nghĩ ấy sẽ là giới hạn ngăn cản cả doanh nghiệp tiến tới thành công. Có một chị này người Phú Yên là học viên của tôi, hai chợ chồng chị ấy muốn mở một đại lý xe Honda top đầu ở địa phương rồi từ đó có chi nhánh ở Sài Gòn, Nha Trang. Chị ấy bảo “Học thầy em mới thấy thầy đúng. Quan điểm của chúng em cũng thế thôi, nhân sự một khi đã vào làm công ty mình là mình phải đào tạo. Sau này người đó có đi thì em cũng nghĩ thoáng rằng công mình dạy, mình rèn ra một lao động chất lượng cho xã hội, tốt mà” Quả thật là suy nghĩ độc đáo và đáng quý. Chị ấy cũng chia sẻ những người ở lại với vợ chồng chị là số đông, họ làm việc như ông chủ mong đợi, họ phát triển, vươn xa từ cái gốc tốt mà lãnh đạo đã bồi, thế nên mấy năm nay doanh nghiệp cứ phát triển không ngừng và đi rất đúng hướng. Nghe vậy, tôi càng vững tin vào quan điểm của mình.

Ngày xưa, hồi năm 2009, vừa về được 1 năm thì tôi đã đề xuất với anh Năm chủ tịch “Anh ạ, giờ chúng ta phải chọn ra những Key person – đóng vai trò làm quản lý và lãnh đạo cấp trung, cao cấp rồi mời chuyên gia về đào tạo” Hai anh em nhất trí, tôi bắt đầu mời thầy Hùng, thầy Ngọc, thầy Hưng – một người dạy về chiến lược, người đào tạo pháp lý, hợp đồng các thứ, ông còn lại phổ biến kiến thức quản trị. Thế là rất nhiều anh em vốn chỉ có kiến thức, kinh nghiệm chuyên ngành, là kỹ sư xây dựng nay được đào tạo về kinh tế bài bản, cách làm việc chuyên nghiệp hẳn. Tôi gọi đó là phát triển nhà lãnh đạo. Cùng với đó, bản thân tôi cùng anh Năm còn tổ chức các chương trình Coaching 1:1, gọi từng cá nhân vào phòng rồi “tẩn” trực tiếp. Phê bình trước hội nghị thì chỉ ở một mức độ nào đấy, giữ thể diện cho người ta chứ một khi họp riêng với nhau, ví dụ chú Huấn cấp dưới của tôi, tôi nói “Anh nói này Huấn ạ, vừa rồi có một số cái chú làm được. Nhưng còn mấy vấn đề sau đây, nếu chú muốn anh phát triển chú để trở thành thủ trưởng của đơn vị thì phải rút kinh nghiệm. Cái thứ nhất, chú nhanh miệng quá, tiếp khách mà cứ nói cướp lời người ta như thế là không được đâu. Thứ hai, chú phải chú ý cách ăn mặc, như hiện tại là hơi tuềnh toàng, người quen xem dạ, người lạ xem áo quần. Chưa nói đến việc gặp khách, chỉ cần ra đường thôi là đã phải ăn mặc bảnh bao tí cho người ta có cái thiện cảm, đúng không? Ví dụ là như vậy. Nói trực tiếp nhưng nhẹ nhàng và chân thành, anh em nghe có mát lòng không ạ? Đó mới là ông sếp tuyệt vời, như một người anh quan tâm em mình. Chú theo anh 3 năm, anh thấy chú là người nghiêm túc, có trách nhiệm, ham học và năng lực cũng khá, anh muốn chú phải tiến xa hơn nữa. Anh cho chú cơ hội được rèn luyện, đào tạo để sau này cất nhắc chú lên vị trí cao hơn, cùng với đó chú phải giúp anh tìm lấy 1 thằng thay thế chứ. Ông Huấn nghe xong chắc phấn khởi lắm, ra khỏi cửa mặt cứ hơn hớn. Coaching 1:1 là cách cực kì hiệu quả 

Những nhân sự được đào tạo ấy, họ luôn khắc ghi trong lòng rằng mình thành công là nhờ cái ông chủ tịch. Ông ấy động viên, cho cơ hội và cất nhắc lên thì mình mới có ngày hôm nay. Có những người mà ở Amaccao chúng tôi nhấc từ vị trí lái xe lên thành viên Ban kiểm soát của Hội đồng quản trị, từ bảo vệ mà giờ làm Giám đốc của một đơn vị sản xuất rồi những người xuất phát điểm chỉ ở mức trung cấp kỹ thuật, nay đứng trong hội đồng quản trị và có vai trò rất quan trọng. Giả sử anh ấy mà đi chỗ khác làm, với cái hồ sơ bạn đầu như vậy thì chắc đã bị loại từ vòng gửi xe rồi chứ nói gì đến làm lãnh đạo. Riêng Amaccao, tôi vẫn nói vui là môi trường Harvard Việt Nam, chúng tôi đào tạo nhân lực mà không nhìn đến trình độ bằng cấp gì mấy, chỉ cần người ta có cái thái độ, lòng nhiệt huyết với công việc, với doanh nghiệp, có khát khao phải trở thành phiên bản tốt hơn của bản thân thì người đó xứng đáng được tôi luyện để lãnh đạo. Thái độ ấy giúp họ sẵn sàng học tập, kĩ năng cùng kiến thức chỉ là vấn đề thời gian. Thái độ của họ ngay từ ban đầu đã thể hiện họ là người trung thành. Người ta có cuộc sống yên ổn, có vị trí xứng đáng và họ biết rằng nếu giờ mình chuyển sang làm cho doanh nghiệp khác thì cái văn hóa sẽ thay đổi, cuộc sống của mình bị ảnh hưởng, vị trí như này cũng không còn, hồ sơ lưu lại có lịch sử nhảy việc nữa.

Tôi cũng trưởng thành từ MBA, tôi là một ông tiến sĩ. Đi làm kinh doanh, mở công ty, người ta cứ nghĩ tiến sĩ thì yêu cầu nhiều, khó tính lắm. Nói thật là chúng tôi cũng tuyển tiến sĩ, thạc sĩ, cũng MBA vào nhưng cái thái độ mà người ta gọi là hơi “chảnh” ấy, không biết mình là ai thì rất khó để đào tạo. Chính những anh chị em rất bình thường, trình độ tuy chỉ trung cấp kỹ thuật, cao đẳng hoặc xuất phát điểm là lao động chân tay nhưng nếu nhận thức được vị trí của mình, khát khao được nâng cấp bản thân thì chúng tôi đào tạo được hết. Khi nghe câu chuyện tôi đào tạo ông lái xe để giờ đi bán hàng, anh Phùng Mạnh Cường – học viên chương trình SBM Camp – Trại Huấn luyện bậc thầy bán hàng đột phá kéo dài 3 ngày của tôi đã về công ty và đào tạo chính lái xe của anh ấy. Mới đầu, với chỉ khoảng 30 tỷ để đào tạo, anh ấy lại còn vướng phải cái vấn đề là quá phụ thuộc vào ông trưởng phòng bán hàng của minh, khiến cho ông này sinh kiêu, tự cao nên anh Hùng đã trực tiếp mở lời nhờ tôi tư vấn. Nghe tôi, anh ấy về và lên kế hoạch dạy dỗ 1 team đệ tử chuyên bán hàng do anh lái xe đứng đầu, cạnh tranh trực tiếp với đội kia. Bây giờ thì đố bên kia dám kiêu nữa, kiêu là có người thay thế ngay và ông lái xe đã trở thành lãnh đạo rất đắc lực của Hùng. Năm vừa rồi doanh số công ty là gần 90 tỷ, tết vừa rồi anh em có nói chuyện bên mâm cơm thì tôi mới biết là anh ấy chỉ sau 2 năm đã phát triển được đến như vậy. Những cánh tay như thế tôi gọi là tâm phúc, môn đệ. Khi bạn có càng nhiều môn đệ, họ trung thành với bạn thì bạn đi đến đâu cũng có họ kề cận, giúp sức. Tiền không bao giờ là đủ, có nhiều cũng chẳng mang theo được, một khi nằm xuống thì thứ đó đều vô nghĩa, chỉ có những giọt nước mắt tiếc thương của người thân gia đình, của anh em vào sinh ra tử mới đáng trân trọng. Khi ta sinh ra thì cả thế giới cười, mình ta khóc, còn khi ta ra đi, cả thế giới khóc, mình ta cười. Hạnh phúc chỉ đơn giản là như thế. Hãy dành thời gian để giúp đỡ, chính anh em xung quanh mình. 

Chi tiết nội dung tại đây.

Chia sẻ:
Zalo
Messenger
Form liên hệ

Đăng ký nhận tư vấn