Bật mí mô hình Kiềng 3 chân giúp doanh nghiệp phát triển bền vững – bạn đã biết chưa?

Chia sẻ:

Các cụ có câu “Dù ai nói ngả nói nghiêng/ Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”. Vậy nên tôi muốn giới thiệu Mô hình Kiềng 3 chân này đến anh chị – một mô hình rất vững vàng mà bạn cần phải ứng dụng.

Cụ thể ở mô hình, cái chân thứ nhất là chuyên gia. Tôi nhớ hồi xưa tôi còn rất nhỏ, ở làng tôi có một ông tên là Sinh chuyên đi mổ lợn. Ông không hề có học hành hay được đào tạo gì đâu, trình độ phổ cập sơ cấp thôi nhưng ông ấy mổ lợn lành nghề lắm, đưa dao phát nào cắt gọn phát đấy. ông pha thịt rồi lấy cái hàm con lợn ra rất là nhanh. Thành ra ông Sinh rất đắt khách, các làng quanh đây ai có lợn cần mổ cũng gọi đến ông ấy để nhờ. Chứ chị gái tôi là bác sĩ thú y, học hành trường lớp đàng hoàng, đại học Nông nghiệp mà. Ra trường cũng biết thiến lợn nhưng mà hiếm lắm bà con mới gọi đi hành nghề. 

Nếu giả sử các anh chị gặp vấn đề gì đó cần tiểu phẫu thì bao nhiêu trong số các anh chị dám để một bác sĩ mới toanh vừa mới ra trường mổ nào? Trong khi đó, có một ông bác sĩ hành nghề lâu năm, chẳng nghe bằng cấp trường lớp gì đâu nhưng đã mổ cho rất nhiều bệnh nhân, tỉ lệ thành công cao, ngày có khi mổ đến 20 ca thì đấy gọi là bàn tay vàng rồi còn gì. 

Vậy nên tôi mới nói với mọi người rằng ngay trong trong kinh doanh cũng như vậy, người như ông Sinh, ông bác sĩ kia mới là chuyên gia. Anh Năm có nói với tôi rằng làm gì thì làm, mình phải là nghệ sĩ trong lĩnh vực ấy. Phải để cho khách hàng thấy mình nhảy múa chuyên nghiệp trong ngành, chứ không phải bằng cấp đâu thì họ mới tin tưởng mình. Một số anh chị em hỏi tôi rằng thầy ơi, sao thầy làm nhiều thế. Xây dựng, rượu nước rồi giáo dục cũng làm. Trường Acsimet của tôi bây giờ đông đến mức không còn chỗ cho các cháu vào, mở cách đây 3 năm mà bấy giờ đã hơn 5000 cháu muốn đăng ký, chúng tôi chỉ lấy được 1000 thôi. Năm sau tăng lên 8000 cháu thì chỉ cho nhập học 800. Mở nhiều như vậy nhưng chúng tôi đâu có rành tất cả mọi thứ đâu, cũng như anh Vượng đâu có am hiểu ô tô, ý tế các thứ nhưng anh ấy có cái chất doanh nhân để sản xuất được những thứ ấy. 

Chúng tôi đều phải tuyển những chuyên gia, chuyên gia đầu ngành. Như tôi thuê chuyên gia từ tận Nhật Bản sang ăn nằm ở Nguyên Khê, Đông Anh giúp chúng tôi làm rượu, mua công nghệ Nhật Bản, thuê con người Nhật Bản, sử dụng men của người ta để hàng Việt mình mang chất lượng Nhật. Hay là sản phẩm ống nhựa, chúng tôi thì biết gì về nhựa? Ông Tô Nhật này học kinh tế ra chứ có học ngành polyme các thứ đâu? Thế nhưng thưa các bạn, tôi là Chủ tịch công ty nhựa EuroPipe, tổng đốc của cái thời kỳ năm 2013 và lúc ấy tôi cũng mới ra trường. Xin thưa với các anh chị là lúc ấy tôi đã thuê Nguyên Phó giám đốc của Nhựa Bình Minh vào đây làm, ông ấy tư vấn cho tôi 1 năm và tôi thuê 1 anh ở Bulgaria về, cả người Áo, người Đức làm cố vấn, đồng thời chịu trách nhiệm phát triển cho chúng tôi cái sản phẩm chuẩn chất lượng cao của Đức. Làm sao cho hàng Đức tốt thế nào thì hàng của chúng tôi tốt y thế. Máy Đức, chuyên gia châu Âu, hạt nhựa cũng nhập từ bên ấy, công thức cũng mua nguyên xi. Cho nên mặt hàng ống nhựa của chúng tôi tự tin bảo hành đến 30 năm. 

Chính vì thế nên thưa với các anh chị, khách hàng có cơ sở để mà tin chúng tôi. Có một anh là khách hàng của tôi – anh Trường, chủ tịch công ty Lạc Hồng, anh ấy mua rất nhiều sản phẩm phục vụ vừa cho đầu tư lẫn xây dựng, đầu tư là chính. Một hôm tôi đến gặp anh ấy, anh đang có cái dự án sân golf trên Vĩnh Phúc, khi ấy chúng tôi có hợp tác với một công ty Hoa Kỳ nữa. Lúc ấy tôi chém “Anh à, chúng em làm sân golf cho Vingroup, cho VLG của chị Nga, …” xong anh có hỏi tôi “Thế Nhật có biết làm cái đường trong sân golf ấy, kĩ thuật nó như thế nào không?”. Tôi tịt luôn. Anh ấy nói mà đến giờ tôi vẫn nhớ, rằng thôi em ạ, cái gì mà mình biết thì mình hẵng nói. Tôi mới trả lời luôn, anh ạ, cái này thì em không biết nhưng em có chuyên gia đến từ Heritage, nếu hôm nào anh có thời gian thì em xin mời nhân viên của em đến để chia sẻ cùng anh. Chứ tôi muốn bán mọi thứ mà lại không biết về những thứ đó, tôi lại cũng không có chuyên gia có tiếng thì sao người ta tin, phải không mọi người? 

Ta phải chấp nhận trả cho chuyên gia những khoản tiền lớn để mua được những thứ mà người khác không có. Thế nên anh Vượng mới sẵn sàng trả cho Trưởng khoa y tế 500 triệu để anh ấy mời về Vinmec rồi cả chuyên gia của BMW về cùng sản xuất Vinfast. Đương nhiên có rất nhiều anh em chúng ta đi lên từ tay nghề của mình, ví dụ như anh trai tôi là chuyên gia xây dựng, ông là kỹ sư xây dựng chính quy của đại học Xây dựng, khoa X ông ấy học là khoa số 1 của trường thế nên mấy vấn đề về vẽ bản thiết kế cho đến tổ chức triển khai đấu thầu, thi công ông chơi hết, đích thân kiểm soát. Những người như thế – chuyên gia trong lĩnh vực của mình thì vẫn cần thêm 2 cái chân nữa để đứng vững. Tôi có 1 anh tên là Cửu Lam, anh ấy bán máy súc rửa chai cho nhà máy rượu của tôi. Anh này cực giỏi, máy của anh ấy chất lượng ngang với hàng Đức dù là công ty gia đình, nhà máy anh ấy làm chủ quy mô chỉ bằng một cái xưởng thôi. Tôi mới bảo là nếu mình làm được cái tốt như thế này thì tôi sẽ làm cho cả xã hội phải mua của mình, nhưng anh ấy bây giờ vẫn duy trì công ty gia đình như vậy thôi, cứ người nào hỏi mua thì anh bán, không có marketing hay tổ chức bán hàng gì cả, Doanh nghiệp nhỏ nhưng không chết, vẫn tồn tại kiểu làng nhàng loanh quanh chục tỷ đến trăm tỷ là mừng lắm rồi.

Vậy thì điều gì giúp chúng ta bật lên khi ta đã có nghề rồi, tôi muốn nói đến chân thứ 2 ở đây là Quản trị – Management. Đấy là việc chúng ta xây dựng hệ thống mà sáng nay tôi giới thiệu với các anh chị. Khâu nào cũng cần đến quản trị, quản trị sản xuất, quản trị marketing, quản trị nhân lực, quản trị tài chính … Họ nên là những người thích và có khả năng bảo đảm cái sự ổn định của doanh nghiệp và có chiến lược để hoàn thành được các mục tiêu. 

Có hai chân này là đã rất tuyệt rồi nhưng nếu chỉ thế này thì công ty chỉ ổn định, loanh quanh vậy thôi chứ không có gì đột phá thì về dài hạn, sớm muộn doanh nghiệp cũng bị tụt lại phía sau. 2 năm về trước, có một anh này đến học lớp MBA của tôi, anh ấy hơn tuổi tôi. Anh ấy bảo “Em thưa thầy, cách đây độ 10 năm về trước doanh nghiệp của em cũng chỉ 100 tỷ như doanh nghiệp thầy. Thế mà bây giờ công ty thầy nhiều nghìn tỷ rồi mà chỗ em vẫn giậm chân tại chỗ”. 

Vì sao lại như vậy? Thì đó chính là vấn đề về thiếu lãnh đạo, chân thứ 3 tôi muốn nói tới. Tầm lãnh đạo nó ở đây thì doanh nghiệp của bạn ở đó. Bạn khác biệt với số đông, bạn nghĩ khác làm khác, bạn nhìn thấy xu thế, cơ hội mà người ta không thấy được. Ví dụ như Nokia, một doanh nghiệp hồi đó là số 1 trong ngành sản xuất điện thoại di động, tầm ảnh hưởng khắp cả thế giới, Thế nhưng Nokia đã không thấy được cái xu thế smartphone – điện thoại thông minh, nhu cầu của xã hội về chụp ảnh, quay video, chơi trò chơi các thứ mà chỉ duy trì những thiết kế hiện tại, cho rằng mình sẽ mãi đứng đầu – thế nên họ mới thất bại. Apple lại khác, Cũng như John Kennedy – một nhà lãnh đạo tuyệt vời của Hoa Kỳ, ông nhìn thấy ngay từ năm 1965 rằng We must go to the moon – chúng tôi phải lên tới Mặt Trăng dù ông biết điều ấy chưa ai làm. Mọi người khi ấy bảo ông điên. rồi ông bị ám sát nhưng chỉ 4 năm sau, năm 1969, chúng ta đã có người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, một phi hành gia Mỹ tên là Neil Armstrong. Tầm nhìn của nhà lãnh đạo nó phải thế, nhìn xa trông rộng, nhìn thật khác biệt tầm nhìn 5 năm 10 năm thì ta mới hơn được những người chỉ nhìn thấy 1, 2 năm, thậm chí thấy mỗi hôm nay, mai thì chịu. Doanh nghiệp xã, huyện chỉ thế thôi, chứ nếu ta muốn có được doanh nghiệp quốc gia, thế giới, người quyết định cái thuyền nó ở sông hay ở biển chính là người lãnh đạo, cái tầm nhìn cái khát vọng của đầu tàu. 

Chi tiết nội dung tại đây. 

Chia sẻ:
Zalo
Messenger
Form liên hệ

Đăng ký nhận tư vấn