7 GIAI ĐOẠN TỪ TAY TRẮNG DỰNG CƠ ĐỒ VĨ ĐẠI VÀ TRƯỜNG TỒN

Chia sẻ:

Làm doanh nhân cũng giống như quá trình trồng cây gây rừng. Qua trải nghiệm của
bản thân và qua quan sát các doanh nghiệp, các doanh nhân thành đạt, tôi tổng hợp và chia
quá trình tự thân dựng nghiệp từ tay trắng để trở thành một cơ đồ vĩ đại và trường tồn làm 7
giai đoạn hình thành và phát triển:

Giai đoạn 1:Gieo (seeding)
Xuất phát từ nhu cầu, khát khao, ý chí hoặc áp lực mà bạn hoặc cá nhân nào đó mong
muốn khởi nghiệp, kinh doanh hoặc buộc phải kinh doanh. Bắt đầu từ việc bạn có ước mơ,
khát vọng, ý chí và nhu cầu thì nó chính là hạt giống gieo vào não bộ, gieo vào tâm thức của
bạn. Về mặt nguyên tắc, tiềm thức của bạn nó giống như luống đất tốt và bạn gieo cái gì vào
luống đất đó cùng với sự chăm sóc đúng cách thường xuyên liên tục thì hạt giống đó đều sẽ
nảy mầm và biến thành cây và sinh quả. Còn nếu bạn không gieo hạt giống nào thì một điều
chắc chắn rằng sẽ không có bất cứ cây nào được mọc lên chứ chưa nói là quả. Còn một khi
hạt giống được gieo, có nghĩa rằng bạn có ý chí/khát vọng/ước mơ được neo vào trong não
bộ của bạn. Nếu ý chí/ước mơ/khát vọng/mong muốn đủ lớn thì nó sẽ tạo ra cảm xúc mạnh
mẽ để thúc đẩy bạn hành động. Vì vậy, điều quan trọng là bạn sẽ phải hun đúc, ấp ủ để thôi
thúc ý chí, ước mơ này sẽ đi cùng với bạn theo năm tháng. Với ước mơ/khát vọng/ý chí/niềm
tin này sẽ định hướng công việc, hoạt động của bạn hướng tới mục tiêu làm giàu và trở thành
doanh nhân thành công và bền vững. Từ đấy sẽ giúp bạn đi theo con đường nào để bạn trở
thành doanh nhân.

Ví dụ, bản thân tôi trong thời kỳ nhà còn nghèo có ước mơ là làm giàu bằng việc đi bán
hàng từ năm 15 tuổi. Trong quá trình đi học đại học cũng đi bán đủ thứ từ bán rượu, bán pháo,
gói bánh trưng thuê, bán con thú bông Đô rê mon…. Đến năm thứ 3 bắt đầu khởi nghiệp, mở
ra Quán Café – Karaoke Sinh viên, sau đó cũng thất bại. Nhưng không làm tôi nản chí. Ra trường
tôi lại tiếp tục khởi nghiệp. Do kiến thức, kinh nghiệm chưa đủ, một năm sau tôi lại thất bại. Điều
ấy không làm tôi từ bỏ giấc mơ, khát vọng làm doanh nhân.
Ý chí, khát khao càng lớn sẽ giúp cho bạn có động lực càng mạnh mẽ. Rất nhiều người
có ý nghĩ, ước mơ hoặc nhu cầu làm kinh doanh trong đầu nhưng không dám hành động bởi vì
ước mơ ấy chưa đủ lớn và nó chưa tạo ra cảm xúc. Chỉ đến khi hoặc họ không còn con đường
nào khác buộc họ phải làm nếu không thì họ sẽ mất hết mọi thứ hoặc họ có một niềm khao
khát cháy bỏng vì một sứ mệnh nào đó của họ thì họ sẽ tiến lên để hành động mạnh mẽ. Còn
nếu không đủ cảm xúc thì khi nghĩ đến các thách thức họ sẽ chùn bước. Họ không dám thoát
ra khỏi vòng an toàn. Khi khát khao, ước mơ ấy được thôi thúc, lớn dần lên, to đến độ không
gì ngăn cản được sẽ đẩy họ tiến lên, bất chấp tất cả.
Có động lực kéo (Pull force) và động lực đẩy (Push force). Động lực kéo là bức tranh
trong tương lai mà họ muốn đạt tới, chẳng hạn làm kinh doanh là để giàu có, tự do tài chính
thì họ được cái gì họ muốn, họ sẽ được xe hơi hay họ trở thành nhà ảnh hưởng, rồi có tiền để
thỏa mái đi đây đi đó và đóng góp từ thiện.. Động lực đẩy: là sự hối thúc ở hiện tại. Có nghĩa
là bạn không thể chịu được hiện tại của mình. Do quá nghèo, không đủ tiền trang trải cho
cuộc sống hiện tại và không đủ tiền để giải quyết các vấn đề của cuộc sống khiến họ cảm thất
chán ghét, bực bội và u uất, hoặc tức giận về hoàn cảnh hiện nay. Bạn phải có trách nhiệm với
những người thân của mình như bố mẹ mình, các con mình, vợ/chồng mình hoặc chính đội
nhóm của mình. Chính động lực này thúc đẩy (push) người ta hành động.
Tất cả điều này cho thấy là cần lý do đủ lớn, thúc đẩy, tiến lên ra quyết định cần phải
làm kinh doanh, làm doanh nghiệp. Trong giai đoan này thực chất chưa có bất cứ doanh nghiệp
nào ra đời cả mà chỉ tồn tại trong suy nghĩ, ước mơ, khát vọng. Nhưng đây lại là giai đoạn
vô cùng quan trọng cho sự trù bị, ấp ủ. Ngắn hay dài thì còn tùy từng người. Có người ấp ủ
tới 3-5-10 năm để nuôi đủ lớn cho ước mơ của mình. Nó là quãng thời gian có thể ngắn hoặc
dài. Có 1 số cá nhân ước mơ, khát khao chưa đủ lớn đã học đòi bắt chước người này, người
kia thì mới nhanh chóng bị phá sản. Bởi họ chưa có sự trù bị chu đáo.

Giai đoạn 2: Nuôi dưỡng và chuẩn bị (Feeding & Preparing)
Khi mà đã có ý chí, ước mơ, khát vọng và nhu cầu để thành lập và phát triển doanh
nghiệp bền vững (tức là gieo hạt giống) thì cần có quá trình để nuôi dưỡng để “hạt giống”
ngày càng một lớn lên. Phải có sự chuẩn bị để biến ước mơ ấy thành hiện thực. Nếu chúng ta
có ước mơ, khát khao trở thành doanh nhân thì cần lên kế hoạch trở thành doanh nhân ấy như
thế nào? Ta bắt đầu kế hoạch đi học nâng cao phát triển bản thân để trang bị những kỹ năng
cần thiết của một người doanh nhân thành công. Để trở thành doanh nhân thành công ta cần
làm gì? Chúng ta sẽ phải đọc sách về các doanh nhân thành công để xem con đường họ đi
như thế nào để bắt chước, hay đến gặp và hỏi những doanh nhân thành công để xin ý kiến tư
vấn mình phải làm gì? Có thể bạn đi làm tích lũy kinh nghiệm từ những doanh nhân giàu có
để phát triển các kiến thức và kĩ năng cần thiết như bán hàng, marketing, quản trị con người,
quản trị tài chính, hay nghiên cứu và phát triển sản phẩm/dịch vụ… Càng tích lũy nhiều kiến
thức và càng trải nghiệm nhiều về những gì mà một doanh nhân thành công cần phải có thì cơ
hội để bạn khởi nghiệp thành công càng cao.
Trong giai đoạn này, chúng ta vẫn chưa chính thức thành lập doanh nghiệp nên chưa
nhìn thấy doanh nghiệp đâu cả. Nhưng chính những cái vô hình trong tâm thức của bạn nó
quyết định cái hữu hình bên ngoài, thế giới nội tâm quyết định thế giới bên ngoài. “Cái gì
có trong đầu thì mới có trong tay” cho nên phải xuất phát từ ước mơ, khát vọng hun đúc nó,
lên kế hoạch thực hiện, học tập, thực hành để trang bị cho mình đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần
thiết để làm chủ doanh nghiệp thành công.
Đây là nguồn vốn quan trọng nhất giúp cho bạn khởi nghiệp thành công. Khi mà bạn
đủ ý chí, khát khao thì bạn sẽ tìm được con đường cho mình. Kinh thánh có dậy: “Ở đâu có ý
chí, ở đó có con đường – There is a will, there is always a way”. Những gì bạn được thôi thúc
bên trong thì không phải là ai đó ép bạn mà là nhu cầu tự thân, từ thế giới bên trong thúc đẩy
bạn. Chỉ có cái như thế mới làm cho bạn có sự bền bỉ, kiên trì, không gì ngăn cản được bạn.

Giai đoạn 3: Start – up (Khởi nghiệp)
Đây là giai đoạn doanh nhân bắt đầu khởi sự, ra mắt doanh nghiệp, thành lập công ty,
khai trương cửa hàng. Lúc này sẽ thấy “cây nhú lên khỏi mặt đất” và ra mắt công chúng.
Thực ra ở phần dưới đã thấy hạt ra rễ, có thân gốc rồi, nó là quá trình hun đúc từ rất lâu rồi,
là quá trình mà mọi người không nhìn thấy nhưng nó quyết định cái nhìn thấy hôm nay. Các
rễ bén ra đấy là kỹ năng cần thiết của người làm chủ (kỹ năng quản trị con người, bán hàng,
marketing, quản lý hoạt động, phát triển sản phẩm mới, lập kế hoạch, chiến lược,…) giúp cây
đơm hoa kết trái. “The root create the fruit – Cái gốc rễ tạo ra kết quả”. Rõ ràng nếu như
không có cái gốc rễ này thì lấy đâu ra cây để phát triển được. Cây mà không có gốc rễ chỉ có
là chết héo thôi và đó chính là lý do của sự thất bại, không thành công của chủ doanh nghiệp.
Ví dụ, như Tập đoàn AMACCAO mặc dù chính thức năm 2001 mới thành lập nhưng thực ra
trước đó, ông Tô Văn Năm trong khi còn là cán bộ của Công ty Cơ giới xây dựng Đông Anh
thì ông đã học tập các kĩ năng làm chủ như kĩ năng bán hàng (tự đi khai thác các dự án), kĩ
năng tính toán hạch toán kinh tế (tự lên dự toán doanh thu – chi phí), kĩ năng quản lý con người
(chủ động tuyển quân, quản quân, huấn luyện quân và thưởng phạt trong đội nhóm của mình)
và rất nhiều các kiến thức kĩ năng khác đã được chuẩn bị trong suốt thời gian 6 năm từ năm
1995 – 2001. Cho đến khi ông ấy thấy hội tụ đủ các điều kiện thành công để tách ra thành lập
công ty riêng là Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Xây dựng Việt Nam năm 2001 và từ đó
đến nay phát triển thành Tập đoàn AMACCAO.

Giai đoạn 4: Grow & Harvest (Tăng trưởng và thu hoạch).
Giai đoạn khởi nghiệp thường có 4-5 năm đầu tiên nhiều khó khăn, bất trắc. Giống như
đứa trẻ vậy, thời gian này rất cần “bố mẹ” là chủ doanh nghiệp chăm sóc cực kỳ cẩn thận. Ví
dụ, nếu ai đã từng có con thì hiểu được rằng lúc sơ sinh có thể 1 đêm bố mẹ phải dậy 3-4 lần
cho trẻ ăn. Nếu làm doanh nhân cũng vậy, nhiều đêm đang nằm có khi phải bật dậy vì lý do
nào đấy phải viết ra giấy ngay, thức đêm, dậy sớm để giải quyết các việc cần làm ngay, nên
có rất nhiều sự hi sinh trong giai đoạn này. Tôi nhớ lại giai đoạn đầu của khởi nghiệp, anh
trai tôi, ông Tô Văn Năm, hôm nào cũng thức dậy từ 6 giờ sáng để khua khoắng giao việc
cho người này người khác, đêm thì về khuya, thậm chí 1giờ đêm mới về đến nhà. Giai đoạn
5 năm đầu tiên, không chỉ anh tôi mà các chị tôi, bạn anh tôi không có ngày chủ nhật, đi làm
về rất muộn là chuyện bình thường. Rất nhiều sự hi sinh khác mà không kể hết ra được. Các
chủ doanh nghiệp không có khát khao đủ lớn thì ngay từ giai đoạn này đã bị những khó khăn
này vùi dập rồi. Sự hi sinh đó mà người vợ hoặc người chồng của chủ doanh nghiệp không
thông cảm thì những khó khăn thách thức của gia đình đấy làm cho người chủ doanh nghiệp
không cân bằng cuộc sống dẫn đến căng thẳng kéo dài và đấy cũng là lý do khiến cho người
ta chùn bước của số đông những người không có đủ dũng khí làm doanh nhân.
Đa phần các chủ doanh nghiệp trong giai đoạn này không lường trước được khó khăn,
thách thức. Giai đoạn đầu doanh số lại ít, bán hàng khó khăn, chưa có thị trường ổn định,
tiền lương thì vẫn phải trả đều cho cán bộ nhân viên. Và có rất nhiều khoản chi khác, có khi
phải vay mượn bạn bè, gia đình, ngân hàng nên có nhiều lúc không đủ nguồn để trả dẫn đến
sứt mẻ tình cảm, áp lực tâm lý đè nặng lên chủ doanh nghiệp và lúc ấy chủ doanh nghiệp toát
cả mồ hôi. Rất nhiều chủ doanh nghiệp không xoay sở được và buộc người ta phải buông tay
phó mặc cho doanh nghiệp phá sản, từ bỏ giấc mơ làm doanh nhân. Qua 4-5 năm đầu thì chủ
doanh nghiệp đã vượt qua một giai đoạn khốc liệt nhất “vạn sự khởi đầu nan” nên sẽ dễ thở
hơn rất nhiều cũng giống như khi em bé đã qua 4 – 5 tuổi thì việc chăm em bé sẽ dễ ràng hơn
vậy. Khi ấy doanh nghiệp đã có thị trường, khách hàng ổn định, hệ thống chạy trơn tru hơn,
có được dòng tiền đều đặn hơn. Nếu bạn là chủ doanh nghiệp qua được 5 năm đầu tiên, bước
sang một giai đoạn tiếp theo là tăng trưởng, thu hoạch thì tôi chúc mừng cho bạn bởi giai đoạn
cực kỳ khó khăn, khốc liệt bạn cũng vượt qua rồi.
“Có chí làm quan, có gan làm giàu”
Tăng trưởng và phát triển thu hoạch này, người nông dân bắt đầu thấy hạnh phúc bởi
cây của anh ta cho ra trái ngọt (doanh thu, lợi nhuận). Giai đoạn này người nông dân phải
nghĩ tới mở rộng quy mô. Có những doanh nghiệp ở giai đoạn này chỉ có 1 cây thôi, sau 5-10
năm mới nghĩ tới cây tiếp theo, có nơi thì 1-2 năm thôi. Điều này còn tùy thuộc vào năng lực
của doanh nghiệp. Không phải doanh nghiệp nào cũng giống doanh nghiệp nào. Đa phần chủ
doanh nghiệp cần 5-10 năm để trồng 1 cây và chỉ tập trung vào nó để chắc chắn, vững trãi, ăn
rễ vào đất thật sâu. Rồi mới bắt đầu nghĩ tới việc mở rộng, trồng thêm cây mới. Khi ấy người
chủ doanh nghiệp cần đào tạo những người phó để thay mình chăm sóc công ty hiện tại. Từ
đấy anh ta có thời gian trồng cấy gieo những cây tiếp theo. Khi có một người phụ trách cây
hiện tại giống như chủ doanh nghiệp rồi, thậm chí tốt hơn. Đó là bước đệm để chủ doanh nghiệp
có cả rừng cây, đó là hành trang để mở rộng quy mô.
Ở công ty chúng tôi, 10 năm đầu tiên có duy nhất 1 công ty thôi. Đấy chính là cách
thức mà chúng tôi đã làm. Anh tôi cũng có lời khuyên với tôi: Làm cái gì lúc ban đầu phải
tập trung tuyệt đối để làm thật chắc cái đó, khi chắc rồi mới đi làm cái tiếp theo. Không
như nhiều người một lúc làm 3-4 cái mà trong khi đó trước đó chưa bao giờ làm doanh nghiệp.
Như vậy, rất khó để thành công bởi như thế là đi dạng chân rồi và chắc chắn sẽ không đi được nhanh.

Giai đoạn 5: Scale up – mở rộng quy mô
Giai đoạn mở rộng quy mô có nghĩa là doanh nghiệp sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh
của mình. Việc mở rộng hoạt động kinh doanh có thể có hình thức mở rộng hệ sinh thái theo
ngành dọc hoặc mở hệ sinh thái theo kiểu đa dạng các loại sản phẩm dịch vụ. Ví dụ, mở rộng
chuỗi theo kiểu như Phở Lý Quốc Sư, High-land Coffee, KFC, Cà phê Trung Nguyên thì đó
là mở theo ngành dọc (Mô hình kinh doanh tập trung một loại ngành nghề). Còn mở rộng kinh
doanh theo kiểu hệ sinh thái đa dạng hóa như Vin Group, AMACCAO Group, hay Hyundai
Group, Samsung Group với rất nhiều ngành nghề thì gọi là mở rộng kinh doanh theo kiểu
chiến lược đa dạng hóa ngành nghề. Khi đó Công ty sẽ không chỉ có một đơn vị thành viên
mà có nhiều đơn vị thành viên và khu rừng của bạn không chỉ có 01 cây mà thành 2-3-4 cây
và nhiều cây hơn nữa. Đây là quá trình mở rộng quy mô ra thêm công ty.
Năm 2005 chúng tôi bắt đầu mua đất ở Nguyên Khê để xây dựng nhà máy rượu. Cũng
năm đó chúng tôi mua lại nhà máy gạch Bắc Thăng Long ở Vân Nội để mở rộng sang sản xuất
vật liệu xây dựng và hàng tiêu dùng. Thời điểm ấy, tôi có chia sẻ với anh trai tôi là muốn có
sự bền vững thì phải chọn lựa sản phẩm, công việc kinh doanh không lệ thuộc vào yếu tố cá
nhân mà phải làm thế nào xây dựng thương hiệu, hệ thống để tự hệ thống đó chạy. Thương
hiệu là cái người ta tìm đến mình. Như vậy, nếu như các bạn muốn hoạt động kinh doanh bền
vững thì có các yếu tố sau: Hệ thống và Thương hiệu. Chính vì vậy tôi hay ví von làm kinh
doanh giống như máy bay vậy, có 2 cánh, cánh 1 là thương hiệu, cánh 2 là hệ thống. Nếu
chỉ có 1 cánh thì không bay được, nếu có 2 cánh thì sẽ giữ cho máy bay cân đối, bay ổn định.
Công ty như chiếc máy bay: để bay cao và xa thì phải có hai cánh “hệ thống và thương hiệu”
Cho nên làm giàu mà bảo qua đêm trở thành tỷ phú, làm giàu nhanh thì cuốn sách này
của tôi không dạy. Mà dạy bạn xây dựng kinh doanh bền vững, xây dựng đế chế kinh doanh
trường tồn, từng bước. Nó mất thời gian, cần cần cù, kiên trì, bền bỉ, không ngừng học tập để
có được kết quả theo cách như này.

Giai đoạn 6: Good to great – Từ tốt đến vĩ đại
Các doanh nghiệp sẽ xác định quy mô định mở rộng của họ ở mức độ nào. Có đơn vị
quy mô quốc gia, có đơn vị quy mô quốc tế,…Ví dụ: ông Phạm Nhật Vượng là quy mô quốc
gia rồi. Vinamilk đang mở rộng thành quy mô quốc tế. Các doanh nghiệp của Hàn Quốc:
Huyndai, LG, Samsung, Lotte, và Daewoo thì họ đang mở rộng quy mô ra quốc tế. Nếu bạn
là chủ doanh nghiệp có tầm nhìn quốc tế thì bạn sẽ trồng cây sang các nước như châu Âu, Mỹ,
Phi, châu Á hay Trung Đông. Đế chế của bạn không còn ở phạm vi quốc gia nữa mà là toàn cầu.
Tôi mong sao doanh nhân Việt Nam chúng ta làm được như những doanh nhân Nhật
Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc và Đài Loan để giúp cho đất nước mình thịnh vượng
như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Khi đã làm đến quy mô quốc gia rồi thì quốc tế không
phải là việc khó nữa, chỉ là ngày một ngày hai mà thôi. Quan trọng là chúng ta có khát khao
hay không, có thực sự có nhu cầu đó hay không thôi. Khi bạn có được rừng cây thì đế chế của
bạn chuyển mình để biến doanh nghiệp thành vĩ đại. Bạn có quy mô lên đến > 200.000 lao
động và ảnh hưởng toàn cầu thì doanh nghiệp của bạn là vĩ đại. Nó phải được ổn định cả thập
kỷ thì cả thế giới đều biết bạn, sử dụng sản phẩm của bạn. Ví dụ như Công ty Toyota, Công
ty Tập đoàn Hyundai,…
Đối với Việt Nam chúng ta thì rất hoan hỉ và ngưỡng mỗ những tỷ phú đô la, là
tấm gương và động lực tuyệt vời cho những doanh nhân khác. Như anh Phạm Nhật Vượng
(Vingroup), anh Long (Hòa Phát), chị Thảo (Vietjet), anh Quang (Massan Group)… Đó là
tấm gương cho anh chị em doanh nhân chúng ta học tập và phấn đấu noi theo. Tôi tin rằng
những người doanh nhân tỷ phú của Việt Nam hiện nay cũng đang nỗ lực biến đế chế của
mình thành đế chế quốc tế, định chế đa quốc gia. Khi các anh chị làm được thì nhiều người
khác cũng sẽ làm được theo. Trước đây Việt Nam chưa có tỉ phú đô la làm ví dụ thì giờ đã có
và có thể bạn sẽ là ví dụ tiếp theo. Có thể bạn có cách bứt phá nhanh hơn trước bởi bạn tận
dụng được công nghệ 4.0 để phát triển nhanh hơn thế hệ đi trước. Ước mơ của tôi là để doanh
nhân Việt Nam thực hiện giấc mơ sánh vai cùng các đất nước phát triển, các nước hàng xóm
xung quanh chúng ta như là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc. Tại sao Hàn Quốc
trước đây trong thập niên 60-70 họ cũng nghèo như nước ta, cũng là người châu Á. Sau 50
năm họ đã vươn lên thành quốc gia top 10 giàu có nhất, ảnh hưởng nhất trên thế giới. Đây là
bài học tuyệt vời cho những người con đất Việt thấy được hàng xóm của chúng ta họ làm được
những công ty đa quốc gia, vĩ đại như vậy thì chúng ta cần phải học tập và làm được.

Giai đoạn 7: Build to last – Xây dựng để trường tồn
Tất cả đế chế kinh doanh nếu xây dựng xong mà không có cơ chế, phương pháp để làm
cho nó trường tồn thì cuối cùng, khi người chủ mất đi thì doanh nghiệp cũng chết theo. Đó là
điều mà không chủ doanh nghiệp nào mong muốn cả. Họ chết mà đế chế của họ vẫn còn và
tiếp tục thăng hoa lên để tồn tại năm này qua năm khác, thế hệ này qua thế hệ khác và mãi mãi
trường tồn thì mới là đích cuối cùng của doanh nhân bền vững.
Ví dụ, ông Chung Ju Yung – Chủ tịch sáng lập của Tập đoàn Hyundai, ông là một người
nông dân đã 3 lần bỏ nhà ra thành phố để thực hiện giấc mơ làm giàu nhưng cả 3 lần đều bị bố
tìm thấy và ra lôi về. Đến lần thứ 4 thì quyết tâm ở lại ngay kể cả khi bố ông ra yêu cầu ông về,
nhưng ông đã nhất định ở lại thành phố Seoul để khởi nghiệp. Ông đã khởi nghiệp một cách
đầy khó khăn và nhiều thách thức nhưng cuối cùng ông đã thành công xuất sắc và xây dựng
nên đế chế Hyundai vĩ đại như ngày hôm nay – một Tập đoàn kinh tế nổi tiếng đa lĩnh vực và
hoạt động với quy mô toàn cầu. Khi ông mất đi nhưng rất hạnh phúc bởi đế chế của ông từng
ngày phát triển mạnh mẽ và Hyundai trở nên thực sự vĩ đại, ảnh hưởng quy mô trên toàn cầu.
Với Hyundai, những gì họ đã và đang có về văn hóa kinh doanh, tôi tin rằng Hyundai sẽ còn
tồn tại lâu dài với thời gian. Đối với một số công ty khác tuy đang rất vĩ đại nhưng chỉ sau
một đêm đã không còn như thế nữa. Ví dụ, như công ty kiểm toán nổi tiếng toàn cầu Arthur
Andersen trong lĩnh vực kiểm toán và tư vấn là 1 trong 6 công ty kiểm toán lớn nhất toàn cầu
chỉ sau vụ gian lận vào những năm 2000 đã phải tuyên bố phá sản. Ví dụ 2 là về Nokia, đơn
vị từng là số 1 về điện thoại di động trên toàn cầu. Chúng ta cứ tưởng như thế thì Nokia bền
vững trường tồn mãi mãi nhưng đã bị phá sản nhanh chóng và bị mua lại bởi họ đã chủ quan
không liên tục phát triển và đổi mới sản phẩm, không bắt kịp theo xu hướng tiêu dùng của thời
đại. Chính việc đó khiến cho họ bị phá sản.
Cho nên trở thành vĩ đại rồi chưa chắc đã trường tồn. Chủ doanh nghiệp cần liên tục
cập nhật, nghiên cứu phương pháp, công nghệ mới, học từ đối thủ để làm cho đế chế của mình
không chỉ vĩ đại mà còn trường tồn. Để rồi có nhắm mắt xuôi tay thì vẫn hạnh phúc vì đã có
một cuộc sống đáng sống.
Nói tóm lại, sự nghiệp của người doanh nhân là sự nghiệp gieo trồng. Chúng ta gieo
hạt gì thì có cơ hội gặt hạt đó. Nếu gieo hạt doanh nghiệp thì có cơ hội gặt hạt doanh nghiệp.
Nếu gieo hạt doanh nghiệp vĩ đại thì có cơ hội gặt hạt doanh nghiệp vĩ đại. Còn tùy thuộc vào
khát khao, khát vọng, mong muốn của chúng ta. Nếu ta không có khát khao, ý chí để trở thành
doanh nghiệp trường tồn thì bạn không bao giờ có được nó. “Gieo bí thì gặt bí, gieo ngô thì
gặt ngô”.
Làm doanh nhân cũng giống như sự nghiệp gieo trồng của người nông dân – Tô Nhật
Lời khuyên của chuyên gia: Hành trình của một doanh nhân từ tay trắng để dựng cơ đồ/
đề chế doanh nghiệp bền vững trường tồn quy mô toàn cầu trải qua 7 giai đoạn giống như sự
nghiệp gieo trồng của người nông dân
Giai đoạn 1:Gieo(seeding) – Gieo ước mơ, gieo niềm khao khát và nhu cầu thành lập doanh
nghiệp bền vững & trường tồn.
Giai đoạn 2: Nuôi dưỡng và chuẩn bị (Feeding & Preparing) – Nuôi dưỡng và hun đúc ước
mơ/niềm khao khát, chuẩn bị đầy đủ hành trang về mặt ý thức, tâm thức và kiến thức, kĩ
năng cần thiết cho hành trình khởi nghiệp, lập nghiệp và phát triển doanh nghiệp bền vững
trường tồn.
Giai đoạn 3: Start – up (Khởi nghiệp) – Chính thức xuất hiện trước công chúng để vạn sự
khởi đầu nan và đường xa vạn dặm cũng bằng bước chân đầu tiên.
Giai đoạn 4: Grow & Harvest (Tăng trưởng và thu hoạch) – Giai đoạn đánh dấu sự trưởng
thành và có những gặt hái bước đầu.
Giai đoạn 5: Scale up – mở rộng quy mô – Giai đoạn để có sự bứt phá và tiến lên mở rộng
phạm vi quy mô hoạt động kinh doanh cả chiều sâu và rộng.
Giai đoạn 6: Good to great – Từ tốt đến vĩ đại – Tốt là kẻ thù của vĩ đại. Để trở thành vĩ đại
thì phải hướng hoạt động của công ty tới quy mô toàn cầu.
Giai đoạn 7: Build to last – Xây dựng để trường tồn, doanh nghiệp phải tồn tại từ thế hệ

-Tô Nhật-

Chia sẻ:
Zalo
Messenger
Form liên hệ

Đăng ký nhận tư vấn