10 bước để KHOÁN và XÂY DỰNG ĐỊNH MỨC (Phần 2)

Chia sẻ:

Không biết cách khoán và xây dựng định mức – Đừng làm chủ doanh nghiệp, tại sao lại như vậy? Ở ngoài kia có không ít chủ doanh nghiệp đang loay hoay, không biết làm thế nào để chi phí giảm nhưng lợi nhuận lại tăng, họ lãng phí tài nguyên của công ty, CBCNV đi làm theo kiểu điểm danh, chấm công ăn tiền, không cố gắng, nỗ lực vì lợi ích của công ty. Vậy bạn đã biết cách khoán và xây dựng định mức chưa? Ở trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ với bạn bí quyết để khoán và xây dựng định mức. Đây là cách mà Tập đoàn AMACCAO đã ứng dụng và thành công.

10 bước để KHOÁN và XÂY DỰNG ĐỊNH MỨC (tại đây)

Nếu muốn khoán mà các bạn không chịu đi tham khảo từ ngành của mình, từ đối thủ đối tác thì mức khoán ấy chỉ là một con số bỏ đi. Ngày xưa, khi mà chúng tôi muốn khoán lương cho các anh em ở nhà máy rượu vodka, cái quỹ thì có hạn mà để mọi người vừa làm vừa nghỉ ngơi thì không được. Tôi phải đi nghe ngóng lương từ Vodka Hà Nội rồi Men’vodka xem con số là bao nhiêu để mình tham chiếu chứ quy mô người ta 600-700 tỷ một năm, mình mới kiếm được vài chục thì không thể so ngang hàng được. Doanh số càng cao thì tỷ lệ chi cho quỹ lương sẽ càng giảm xuống vì người ta dùng máy móc hết cả rồi, mình chỉ tham khảo để phấn đấu. Nếu được thì phải tìm hiểu cái con số từ thời điểm người ta có cùng quy mô với công ty mình bây giờ, rồi tỷ giá các thứ thì mới chính xác được. Một ví dụ khác, khi khoán cho công nhân bốc xếp gạch thì chúng tôi đã cho anh em đi thu thập lương thưởng của các bên xung quanh như Licogi, Khang Minh, DMC để xem mỗi một viên gạch mình trả công bao nhiêu. Khang Minh 31 đồng 1 viên, tương tự DMC 28 đồng, Licogi 30,5 đồng, … nhiều người hỏi tôi là làm cách nào để lấy được thông tin chính xác cụ thể như này từ đối thủ, tôi nói thật là không khó đâu. Số liệu này công nhân ai mà chẳng biết, mà hỏi công nhân thì dễ lắm. Muốn biết về lương khoán cho sales cũng thế, trong trường hợp không quen được anh công nhân hay sales nào thì cứ vớ đại một người mà hỏi thăm, mời nó cốc trà bữa nhậu là xong. Thông tin về sản xuất thì chịu khó thăm nhà mấy ông quản đốc … Tóm lại, tôi muốn nói với mọi người có rất nhiều cách để tìm hiểu, quan trọng là bạn có chịu bỏ chút công hay không thôi. Ngạn ngữ có câu tìm sẽ thấy, gõ cửa, cửa sẽ mở. 

Sau khi đã điều tra rồi thì chúng ta đến bước số 5 – Thu thập số liệu thực tế.  Thông tin có thể là về năng suất lao động hoặc chi phí. Nếu được thì phải thu thập những thông tin ở các tháng gần nhất, các mốc 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng. Thời gian khác nhau thì các mức khoán cũng khác chứ không phải cứ có được 1 con số là doanh nghiệp ta áp dụng được luôn đâu. Ví dụ, một người lao động chưa có kinh nghiệm thì năng suất của họ chỉ đạt 200 cái trên ngày, tháng thứ hai thạo việc hơn tí thì lên được 250 cái. Tay nghề càng lên thì năng suất càng cao, nhưng nó chỉ lên đến một cái mức nào đó thôi, gọi là điểm giới hạn. Khi đó người ta có cố thế nào thì cũng chỉ hoàn thành được từng ấy cái thôi. Khoa học gọi cái đường tạo nên bởi giao điểm của thời gian và năng suất là Learning curve – ở cái đường cong học tập này, nếu bạn khoán ở điểm cách xa giới hạn thì coi như là mình bị hớ. Nhiều khi bạn phải chấp nhận trả công nhật để đào tạo cán bộ công nhân cho đến khi họ thành thục, trong khoảng thời gian đó, những người như đốc công phải giám sát thật chặt thì ta mới biết giới hạn của họ đến đâu. Mình có thể chờ cho đến khi thấy được năng suất tối đa của công nhân hoặc khoán trước đó một chút nhưng nhỉnh hơn so với con số đã tính toán. Ở cái điểm tối ưu ấy, một vài người còn non tay sẽ rất sợ bị thua thiệt, lương thấp, thậm chí là bị đuổi việc. Vậy ta phải giải quyết tình trạng đó như thế nào? Tâm lý phải trị bằng tâm lý. Tôi tin rằng những gì chúng ta nghiên cứu ra công nhân người ta biết hết. Nhưng ngầm hiểu thế thôi, thiệt một chút là họ phản đối ngay. Đến lúc này là chúng ta phải lôi số liệu ở các doanh nghiệp xung quanh ra để cho công nhân họ thấy rằng mức khoán ấy còn kém xa so với đối thủ, họ là thầy của ta. Chỉ ra để mọi người hiểu rằng ít nhất mình phải bằng đối thủ thì mới cạnh tranh được. Và so cả với lương công nhân các bên nữa, quy mô họ to như thế mà lương ngang bằng mình thì mình  phải làm vất vả hơn người ta. Ví dụ hồi đấy anh Huấn mua con xe mercedes, nó tiêu tốn khoảng 12 lít trên 100km. Ông ấy khoán cho lái xe 12 lít thì chết, mà dưới 12 lít thì thôi, cả hai dắt xe đi bộ chứ tài xế nào chạy nổi. 12 lít đấy là con số tối thiểu do bên thiết kế họ nghiên cứu ra ở điều kiện chuẩn chứ thực tế con xe còn phải dừng rồi đèn đỏ đèn xanh, đường đèo đường dốc các thứ, chí ít cũng phải cho nó thêm nửa lít mà thở chứ. Phải có một khoản du di như thế, thằng tài xế nó lái 100km mệt quá, muốn phóng đi làm cốc bia thì mình nên thông cảm. Làm kinh tế phải chấp nhận đồng rơi đồng vãi. Cho nên đây chính là cơ sở để chúng ta đánh giá hiện trạng thực tế và đưa ra định mức cho phù hợp

Chi tiết: 10 bước để KHOÁN và XÂY DỰNG ĐỊNH MỨC (tại đây)

Chia sẻ:
Zalo
Messenger
Form liên hệ

Đăng ký nhận tư vấn